Chuyện kể Phật Giáo Miền Nam đất Việt.. 23/12/2021

 

PHẬT GIÁO VÀ XỨ ĐÀNG TRONG.

Nguyễn Kim làm quan dưới triều nhà Lê, nhà Mạc cướp ngôi Nguyễn Kim lánh qua Ai Lao, ở đây ông tập hợp binh lính giúp nhà Lê. Khi Nguyễn Kim mất, con rể là Trịnh Kiểm nổi dậy muốn cầm quyền, nên đã hại chết anh trai của Nguyễn Hoàng. Khi thấy anh trai của mình bị Trịnh Kiểm sát hại, Nguyễn Hoàng lo lắng mới tới hỏi xin ý kiến của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1558 chúa Nguyễn Hoàng nghe theo lời tiên tri của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoàng Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân”. Xin chị gái nói vói anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa. Được Trịnh Kiểm đồng ý Nguyễn Hoàng di chuyển vào vùng đất Thuận Hóa trấn thủ, ông đã xậy dựng nơi đây thành vùng đất giàu mạnh.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Công cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn đã mở rộng cõi về Phương Nam của dân tộc, cùng với đó là sự kéo theo Phật giáo không ngừng lớn mạnh. Trong những năm tồn tại các chúa Nguyễn đã hết sức sùng mộ và xiển dương đạo Phật, ngay cả bản thân chúa cũng quy y Phật Pháp: Nguyễn Hoàng được gọi là chúa Tiên, Nguyễn Phúc Nguyên còn gọi là chúa Sãi, Nguyễn Phúc Lan được gọi là chúa Thượng…

Phật giáo Đàng Trong trong diễn trình lịch sử đã đi qua nhiều giai đoạn hình thành và hưng khởi khác nhau. Mỗi giai đoạn gắn liền với sự hưng khởi của một tông phái nhất định. Vào thời kỳ đầu, với công lao truyền bá của nhà sư Minh Châu – Hương Hải, Thiền phái Trúc Lâm đã thực sự có chỗ đứng ở Đàng Trong. Hầu hết hoàng tộc chúa Nguyễn và lực lượng quan lại đều thọ giới với Thiền sư Hương Hải. Tuy nhiên, sự hưng thịnh của Tông phái này cũng không được kéo dài vì sự nghi ngờ của chúa Hiền đối với Thiền sư Hương Hải có ý định móc nối với Đàng Ngoài đã làm Chúa xa lánh và bắt giam Thiền sư. Sức sống của Phật giáo Đàng Trong giai đoạn tiếp theo gắn liền với hai phái Lâm Tế và Tào Động. Một nhà sư Trung Quốc tên là Nguyên Thiều đã hoàng dương Phật pháp tại Thuận Hóa, được chúa Nguyễn Phúc Trăn sùng kính và bảo hộ. Nhưng tông phái này cũng dần mất đi sự ủng hộ của các Chúa Nguyễn và đánh mất vai trò của mình ở Đàng Trong.

Thiền phái Tào Động tiếp nối với tên tuổi gắn liền với Thiền sư Thích Đại Sán (hiệu Thạch Liêm). Chi phái mới Liễu Quán được hình thành với những nét riêng trên cơ sở của sự du nhập và lan tỏa song hành hai Thiền phái Tào Động và Lâm Tế ở Đàng Trong.

Từ buổi đầu tạo dựng xứ Đàng Trong, Phật giáo đã được đề cao, các nhà sư rất được trọng vọng. Các chúa Nguyễn cho xây dựng chùa chiền, trùng tu chùa cũ, ban sắc tứ cho nhiều cho nhiều chùa Phật khắp Đàng Trong, khuyến khích các vị sư trong nước cũng như tư Trung Hoa đến hoằng pháp tại Đàng Trong.

Năm 1601 sau khi từ Thăng Long trở lại Phú Xuân, Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa mà các chúa Nguyễn không ngừng tu bổ như ngôi chùa Tổ. Năm 1747 Nguyễn Phúc Khoát cho mở rộng chùa Hàm Long ở Phú Xuân và đặt tên là chùa Báo Quốc rồi tự tay viết năm chữ: Sắc tứ Báo Quốc tự trên một bức hoành phi hình

chữ nhật

.

Chùa Thiên Mụ

Nguyễn Phúc Tần ban cho chùa Vĩnh Ân ở Phú Xuân một khoản tiền để tôn tạo, sau khi Nguyễn Phúc Tần mất, Nguyễn Phúc Trăn nối ngôi đổi tên chùa thành Quốc Ân tự, đồng thời ban tấm biển Sắc tứ Quốc Ân tự.

.

Quốc Ân Tự

   Cho thấy rằng các chúa rất mộ đạo Phật, xem Phật giáo là chỗ dựa tinh thần, đặt Phật giáo bên cạnh Nho giáo với những chính sách và thái độ hợp lí để phát huy tốt vai trò tích cực của Phật giáo trong vấn đề quốc thái dân an, trong việc duy trì trật tự xã hội. Tạo ra một xu hướng gắn bó giữa vương quyền, thần quyền và mang một tinh thần dân tộc sâu sắc. 

 

Tác giả : Nguyễn minh Chí-Tổng hợp.

Tỳ Kheo Thích Đức Nhẫn trích đăng

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x