Chuyện kể Phật Giáo Miền Nam đất Việt..(tiếp theo) 24/12/2021

 

PHẬT GIÁO GIÒNG LÂM TẾ Ở MIỀN NAM VÀ TỔ SIÊU BẠCH – NGUYÊN THIỀU (1648-1728)

     Ngay sau khi Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) vào trấn thủ đất Thuận Hóa, ông đã để ý đến việc lập chùa. Năm 1601, ông đã bắt đầu cho xây dựng chùa Thiên Mụ ở xã Hà Khê, huyện Hương Trà. Năm sau, vào ngày Vu Lan, chúa đến chùa Thiên Mụ lập trai đàn và làm lễ bố thí. Chúa lại cho dựng chùa Sùng Hóa trên nền một ngôi chùa cổ ở xã Triêm Ân, huyện Phú Vang. Năm 1607, chúa cho lập chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu, Quảng Nam. Năm 1609, chúa lại lập chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, Quảng Bình. Sau khi chúa dựng xong dinh Quảng Nam ở xã Cần Húc, chúa lại cho lập một ngôi chùa gần đó, gọi là chùa Long Hưng, ở về mé đông của trấn.

    Như vậy trong thâm ý của chúa Nguyễn, đạo Phật có thể làm nơi nương tựa tinh thần cho công trình lập quốc của dòng họ Nguyễn. Cũng vì vậy cho nên sau này, các chúa Nguyễn đều tỏ vẻ sùng thượng đạo Phật và nhân dân Ðàng Trong cũng nghênh đón các vị du tăng Trung Quốc với một tấm lòng chân thật, mặn nồng. Trong thời đại chuyển tiếp giữa hai triều Minh – Thanh, nhiều cao tăng Trung Hoa đã tới Ðàng Trong hành hóa. Một phần quan trọng của những tổ đình hiện nay là do các thiền sư Trung Hoa sáng lập.

   Thế kỷ thứ mười bảy ghi nhận sự có mặt của các thiền sư Trung Hoa sau đây tại Ðàng Trong:

– Các thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan ở Quảng Trị.

– Thiền sư Minh Hoằng khai sơn chùa Ấn Tôn, Thuận Hóa.

– Thiền sư Giác Phong khai sơn chùa Thiên Thọ, Thuận Hóa                     .

– Thiền sư Từ Lâm, khai sơn chùa Từ Lâm, Thuận Hóa.

– Thiền sư Pháp Bảo, khai sơn chùa Chúc Thánh, Quảng Nam.

– Quốc sư Hưng Liên, trụ trì chùa Tam Thai, Quảng Nam.

– Thiền sư Pháp Hóa, khai sơn chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi.

– Thiền sư Tế Viên, khai sơn chùa Hội Tông, Phú Yên.

– Thiền sư Nguyên Thiều, khai sơn chùa Thập Tháp Di Ðà ở Bình Ðịnh và các chùa Quốc Ân và Hà Trung, Thuận Hóa.

– Thiền sư Thạch Liêm, khai sơn chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa.

Tất cả đều thuộc phái thiền Lâm Tế, chỉ trừ hai vị thiền sư Hưng Liên và thiền sư Thạch Liêm thuộc phái thiền Tào Ðộng

         Hồi thiền sư Hương Hải 25 tuổi, còn làm tri phủ ở Triệu Phong, Quảng Trị, tức là vào năm 1652, ông đã được học Phật với hai thiền sư này. Vị thứ nhất tên là Lục Hồ Viên Cảnh. Vị thứ hai tên là Ðại Thâm Viên Khoan. Danh từ Lục Hồ có vẻ như là một địa danh ở Trung Hoa, không phải là một pháp danh, điều này cho ta thấy hai thiền sư là du tăng Trung Quốc. Hai người đều có pháp hiệu đứng đầu bằng chữ Viên: thiền sư Viên Cảnh và thiền sư Viên Khoan, vậy hai người có thể là đồng sư hay đồng môn phái, cùng rời Trung Hoa với nhau một lần. Không biết hai vị thiền sư này trú trì tại chùa nào ở Quảng Trị. Tổ đình xưa nhất ở đây là chùa Tịnh Quang do thiền sư Chí Khả khai sơn. Một điều đáng chú ý là pháp tự của thiền sư Hương Hải do thiền sư Viên Cảnh đặt được bắt đầu bằng chữ Minh (Minh Châu Hương Hải) và những pháp tử của Hương Hải thì có pháp hiệu bắt đầu bằng chữ Chân như Chân Lý Ðề Mật, còn các pháp điệt thì có các pháp hiệu bắt đầu bằng chữ Tính. Thứ tự truyền thừa cũng giống như trong truyền thống Chuyết Chuyết: Viên Văn – Minh Hành – Chân Nguyên – Tính Tĩnh… Ðiều này cho phép ta nghĩ rằng hai bên cùng theo một pháp phái và thiền sư Hương Hải là người cùng thế hệ với thiền sư Minh Hành. Ðiểm này còn đợi khảo chứng.

        Thiền sư Nguyên Thiều họ Tạ, pháp tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Ðông. Năm 19 tuổi, ông xuất gia tại chùa Báo Tư, tu học dưới sự hướng dẫn của hòa thượng Khoáng Viên[1]. Ông theo thuyền buôn sang Đại Việt năm 1665 trong đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Ban đầu ông cư trú tại phủ Quy Ninh (Bình Ðịnh bây giờ), sau đó lập chùa Thập Tháp Di Ðà. Chùa này tọa lạc ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn; sau chùa có mười ngôi cổ tháp Chàm cho nên chùa được gọi là chùa Thập Tháp. Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí nói rằng chùa này lập năm 1683, niên đại này có lẽ là niên đại hoàn tất chùa sau nhiều năm xây cất. Năm 1691, chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch và câu đối. Sau đó Nguyên Thiều lại ra Thuận Hóa dựng chùa Quốc Ân và xây tháp Phổ Ðồng. Chùa Quốc Ân tọa lạc tại ấp Phước Quả. Chùa cũng được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho liễn đối có ghi đạo hiệu của chúa là “Thiên Túng Ðạo Nhân”. Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí nói rằng tháp Phổ Ðồng được xây trước chùa Quốc Ân, sau đó bị binh lửa tàn phá.

           Sách Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên nói rằng thiền sư Nguyên Thiều có phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Trăn sang Quảng Ðông rước thiền sư Thạch Liêm (Ðại Sán) và thỉnh pháp khí. Bia đá chùa Quốc Ân do chúa Nguyễn Phúc Trú đề năm 1729 cũng nói: “Thiền sư Hoán Bích Tạ Nguyên Thiều ở chùa Hà Trung vâng lệnh Nghĩa Vương qua Quảng Ðông mời hòa thượng Ðại Sán”. Xét kỹ thì thiền sư Nguyên Thiều chưa từng mời thiền sư Thạch Liêm; cùng qua Ðại Việt với thiền sư Nguyên Thiều có những thiền sư khác nhưng không có mặt Thạch Liêm. Sách Hải Ngoại Kỷ Sự do Thạch Liêm viết cho biết ông sang Ðại Việt năm 1695 với một người bạn và nhiều đệ tử của ông chứ không đi với thiền sư Nguyên Thiều. Sách lại kể chuyện ông tới thăm chùa Hà Trung là nơi thiền sư Nguyên Thiều trú trì theo lời thỉnh của chúa Nguyễn. Tại đây ông không gặp thiền sư Nguyên Thiều mà chỉ gặp một vị giám tự mới thọ giới tỳ khưu với ông mấy tháng trước đó tại giới đàn Thiền Lâm. Một vị giám tự mới thọ tỳ khưu thì chắc chắn không phải là thiền sư Nguyên Thiều, người đã khai sơn hai tổ đình lớn là Thập Tháp và Quốc Ân. Ðiều đó cho ta thấy rằng thiền sư Nguyên Thiều đã tịch trước năm 1695 tức là năm Thạch Liêm tới Ðại Việt. Niên đại 1729 đề ở bia Quốc Ân chỉ là niên đại dựng bia chứ không phải là niên đại nhập diệt của thiền sư Nguyên Thiều[2].

           Sách Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên nói thiền sư Nguyên Thiều thọ 81 tuổi. Vậy ông mất vào năm nào và sinh vào năm nào? Ta biết khi thiền sư Nguyên Thiều mất, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho ông thụy hiệu là Hạnh Ðoan Thiền Sư. Như vậy ta có thể biết chắc rằng Tổ Nguyên Thiều mất vào khoảng từ năm 1691 tức là năm chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi đến năm 1695 tức là năm qua Ðại Việt của thiền sư Thạch Liêm. Như vậy ông sinh vào khoảng 1610 – 1614 và qua Ðại Việt vào khoảng từ năm 51 đến 55 tuổi.

          Sách Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên có nhắc đến chuyện chúa Nguyễn Phúc Trăn nhờ thiền sư Nguyên Thiều qua Trung Hoa để mời cao tăng và thỉnh pháp tượng, pháp khí. Thượng Tọa Mật Thể trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược[3] có nói rằng sau khi thiền sư Nguyên Thiều về Ðại Việt, chúa Nguyễn Phúc Trăn có cho tổ chức giới đàn lớn tại chùa Linh Mụ. Chưa thấy có chỗ nào chép như thế. Theo Thượng Tọa Mật Thể, chuyến đi của Tổ Nguyên Thiều sang Quảng Ðông có mục đích mời một số cao tăng bổ sung vào ban thập sư truyền giới tại giới đàn, đồng thời cũng là để thỉnh những pháp khí (như tràng phan, chuông, mõ) cần thiết cho giới đàn. Ta nghĩ rằng một chuyến đi như vậy không thể chỉ để thỉnh tượng Phật và pháp khí và một vài vị tăng sĩ; cho nên việc lập giới đàn tại chùa Linh Mụ có thể có thực. Dù sao, giới đàn ấy nếu có, cũng không long trọng bằng giới đàn do thiền sư Thạch Liêm tổ chức tại chùa Thiền Lâm năm 1695. Chúa Nguyễn Phúc Chu khi tới giới đàn nói sau đã quá khâm phục mà nói: “May có Lão hòa thượng tới đây mới được thấy pháp môn quảng đại trang nghiêm như vậy”. Như thế có nghĩa là từ đó về trước chưa có giới đàn nào tổ chức lớn như vậy, kể cả những giới đàn do thiền sư Nguyên Thiều tổ chức. Chúa Nguyễn Phúc Chu dù còn trẻ chắc cũng đã được đi theo để dự xem giới đàn Linh Mụ tổ chức dưới thời chúa Nguyễn Phúc Trăn.

        Những vị cao tăng nào đã cùng qua Ðại Việt với thiền sư Nguyên Thiều? Theo tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Lược thì cùng qua với thiền sư Nguyên Thiều có các thiền sư Minh Hành Tại Tại, thiền sư Minh Hoằng Tử Dung,thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, thiền sư Minh Vật Nhất Trí. Ta không thể biết chắc được tất cả những thiền sư có tên trên đây đã cùng qua với Thiền Sư Nguyên Thiều hay không. Thiền Sư Minh Hành chẳng hạn, như ta đã biết, đã qua Ðại Việt trước đó tới gần sáu mươi năm, tới kinh đô Thăng Long vào năm 1633. Vậy ta chỉ có thể nói rằng một số các thiền sư có tên ở trên đã cùng qua với thiền sư Nguyên Thiều, mà chắc chắn nhất là những vị đã lưu trú lại các tổ đình Thập Tháp và Quốc Ân do  Tổ Nguyên Thiều khai sơn,Như thiền sư Minh Vật Nhất Tri , thiền sư Minh Hoàng Ðịnh Nhiên. Những vị này có thể là những  đệ tử trực tiếp của thiền sư Nguyên Thiều.Nhưng thiền sư Mật Thể không tin như vậy, cho rằng thời gian ở Ðại Việt của Tổ Nguyên Thiều thì nhiều mà thời gian ở Quảng Ðông của ông thì ít, làm sao ông có thể có đệ tử cao tăng được. Tuy nhiên, nếu ta biết thiền sư Nguyên Thiều sang Ðại Việt hồi 51 – 55 tuổi, trở về Quảng Ðông lúc trên bảy mươi tuổi thì ta có thể nói rằng trong số các vị gốc Trung Hoa trú trì tại hai chùa Thập Tháp và Quốc Ân, có thể có vị là đệ tử trực tiếp của thiền sư Nguyên Thiều từ khi ông chưa bỏ nhà Thanh sang Ðại Việt. Dù sao, ít nhất cũng là bảy vị tăng sĩ vừa Hoa vừa Việt đứng sau ông một thế hệ đã được ông nâng đỡ và đặt vào công tác hành đạo. Ðó là các vị cư trú tại Bình Ðịnh ( Chùa Thập Tháp) và Thuận Hóa (chùa Quốc Ân): thiền sư Minh Vật Nhất Trí, thiền sư Minh Giác Kỳ Phương, thiền sư Minh Trí Nguyệt Hạnh,thiền sư Minh Dung Pháp Thông, thiền sư Minh Lương Nguyệt An,thiền sư Thành Ðăng Minh Yêu và thiền sư Thành Thiên Pháp Thông. Ðó là chưa kể những vị nối nghiệp ông ở chùa Hà Trung là chùa mà ông trú trì vào những năm chót của đời ông.

oOo

Tác giả : Nguyễn minh Chí-Tổng hợp.

Tỳ Kheo Thích Đức Nhẫn trích đăng

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x