Hương vị giải thoát 18/11/2021

 

Giữa những bộn bề lo toan trong cuộc sống, giữa những ồn ào, náo nhiệt của dòng đời. Đôi khi con thấy mình như bị nhấn chìm trong vòng xoáy của những hối hả,vấp váp và bon chen. Chúng con biết tìm đâu ra ánh sáng chân lý giữa cuộc sống tăm tối đầy cám dỗ… Biết tìm đâu ra con đường giữa muôn vàn lối rẽ… Và rồi nhờ nhân duyên phước báo con đã được gặp Sư Phụ. Người đã chiếu sáng cuộc đời con bằng ánh sáng chân lý, Người cho chúng con một tổ ấm tâm linh trong đó có đạo tình thiêng liêng ấm áp. Qua những bài pháp, những lời dạy bảo và cả trong cử chỉ hành động của Người, đã cho chúng con biết được giáo lý tuyệt diệu của đức Thế Tôn, đã cho chúng con một trái tim biết yêu thương, dạy chúng con biết vị tha, biết cảm nhận được cuộc đời đầy màu sắc tươi đẹp…

Người thường dạy con nhiều điều hay

Làm sao con sâu kết lại

Để truyền đạt mà không sai

Thấu được lời ấy

Hương vị giải thoát ở đâu đây”

Chúng con như những con thuyền chông chênh, mong manh giữa dòng biển khơi trong đêm khuya, đang kiếm tìm ánh sáng của ngọn Hải Đăng thì Sư Phụ, người chính là ngọn Hải Đăng giữa trời biển đêm ấy. Hải Đăng trong đêm tối trở thành con mắt của đại dương mênh mông… là ngọn đèn giữa biển chỉ đường định hướng cho biết bao tàu thuyền qua lại… bất chấp sự dữ dội của tự nhiên ngọn Hải Đăng vẫn đứng sừng sững giữa biển cả suốt bao năm …

Đúng vậy, chúng con làm sao quên được bài học đầu tiên người dạy:

Đức Tin Hành Trì Pháp

Nếu đức tin của tâm con là niềm tin trọn vẹn, bất thối chuyển, là mạng sống sinh tồn thì con sẽ có khoảnh khắc vỡ òa hạnh phúc, không thể ngờ, không thể suy lường được.

Nếu đức tin là khái niệm gửi gắm mong cầu lợi dưỡng thì con tự biến mình thành một món đồ thế chấp rẻ tiền.

Từng câu từng từ đã ăn sâu vào trong tâm chúng con mỗi khi chúng con tụng kinh, niệm Phật.

Chúng con thực hành niệm Phật từ buổi mai khi mới thức dậy, cho đến buổi tối, cả ngày niệm không xen hở.

Muốn được vãng sanh phải đủ 3 yếu tố: Tín, Hạnh, Nguyện như đảnh 3 chân thiếu 1 tất ngã.

Tín: Là tin có: tự, tha, nhơn, quả, sự và lý.

Hạnh: Là chấp trì danh hiệu Phật cho được “nhất tâm bất loạn”.

Nguyện: Là quyết muốn thoát khỏi cõi Ta-Bà, cầu sanh về nước Cực-Lạc.

Tín – Hạnh – Nguyện trong kinh A Di Đà

Dưới đây là đại khái 6 lối tin về Tịnh độ.

Tin tự: Tin chắc rằng mình có Phật tánh sáng suốt, đủ vô lượng công đức. Nếu mình cố công lo niệm Phật thì quyết có thể chứng ngộ được.

Tin tha: Công nhận rằng lời dạy của Đức Phật Thích Ca không luống dối; Đức Phật A Di Đà luôn luôn nhiếp thọ tùy theo cơ cảm của mình mà ứng.

Tin nhơn: Đinh ninh công hạnh niệm Phật hiện tại của mình có năng lực giải thoát.

Tin quả: Tin chắc ở chín phẩm sen vàng là nơi sẽ về của ta sau này.

Về được đó thì dù hạng nào cũng không thối chuyển.

Tin sự: Xác nhận ngoài cõi Ta-Bà có một cõi Cực-Lạc đúng như lời Phật nói.

Tin lý: Tin tự tâm ta cũng tức là Tịnh-Độ, nếu một khi nó đã được trong sạch. Sự và lý viên dung không tách biệt.

Người dạy:

Phải cân bằng tâm, năng lượng, năng lực rồi mới tới cân bằng phương pháp hạ thủ công phu. Thiếu cân bằng thì không tu hành gì được cả”

Đệ tử:

Con xin y giáo phụng hành ạ.

Tóm lại, không tin thì thôi, nếu có tin cần phải tin sâu, tin chắc, và tin rồi phải thực hành. Hạnh là thực hành, phải cho kiên nhẫn và đúng pháp.

Có một lần tôi đến gặp sư phụ, quỳ xuống và thưa:

 – Sư phụ! Tâm con có điều không thông. Kính bạch xin người khai thông, chỉ lối dẫn đường cho con ạ. 

Con ước gì tâm con được thanh tịnh như tâm của sư phụ. Sao con cảm thấy mình nghiệp rất nặng, tu hành bấy lâu mà tâm con vẫn vọng động như ngày đầu, làm sao con có thể sống trong chánh pháp nhiệm mầu?

Sư phụ:

– Đừng dính đâu cả thì không có vướng

Hãy gửi tâm cho gió cuốn đi

Đệ tử thưa:

Dạ, sao gửi được ạ?

Sư phụ:

 – Ăn vừa no, mặc vừa ấm, thấy cứ thấy đừng nhìn, nhìn cứ nhìn đừng thấy, tâm chẳng cột vào đâu, chẳng đong, chẳng lường, chẳng buông, chẳng giữ gì. Chỉ thở và rong chơi, tiện có trong tay cái gì thì làm nếu nó không tổn hại tới mình tới người.

Đệ tử thưa:

Con thật ngu ngốc phải không ạ?

Sư phụ:

Quá ngu ngốc, nhìn liền thấy, thấy liền nhìn nên chìm trong vọng động

Đệ tử thưa:

Từ đây con sẽ cố gắng nỗ lực tu tập ạ

Sư phụ:

Thọ giới để tu tâm, chẳng phải để giữ tướng, chẳng trải qua quả vị nào, mỗi ngày mỗi giờ an yên thì cả năm an yên, qua vòng xuân hạ thu đông là một hạ lạp an cư.

Đệ tử thưa:

Con xin y giáo phụng hành ạ

Từ đó, hằng ngày ngoài việc làm công tác, học hành ra, con nổ lực tu tập để mỗi ngày tâm luôn an trụ, vắng lặng, rồi dùng tâm an trụ ấy quán chiếu thân và tâm. Nếu tâm không an trụ, cứ nhìn vào và theo dõi nó. Ta sẽ thấy đặc tướng Vô Thường của vạn pháp. Cho đến trạng thái vắng lặng của tâm cũng là vô thường. Nếu bám níu vào đó ắt có đau khổ khi nó mất đi.

Ngoài ra, người còn dạy chúng con khi hành thiền: hành thiền không phải để thành tựu điều gì mà để bỏ đi tất cả. Cũng không phải chỉ lúc ngồi thiền hay lúc đi kinh hành mới thiền mà luôn luôn giác tỉnh chú niệm, bất cứ lúc đang làm gì. Luôn luôn giữ tâm trong hiện tại. Hay biết mỗi khi có tư tưởng phát sanh. Chỉ nhìn, rồi để nó trôi qua. Không muốn, cũng không làm điều gì để đuổi nó đi. Hãy để nó trôi qua một cách tự nhiên. Không nên giữ nó lại, đừng phóng tâm theo nó.

Rồi một hôm, gia đình con phát tâm cúng cho con cái thất nhỏ, con đến thưa sư phụ về sự việc

Người dạy:

Sư đằn con trong tu từ chánh niệm. Chùa con chính là lòng từ bi vô lượng, không phải ngôi nhà có tượng Phật nghe chưa?

Nơi nào có tứ vô lượng tâm y chánh báo, nơi ấy có Buddha, lìa vô lượng tâm thì không có tất cả.

Mỗi chúng sanh chỉ có duy nhất một ngôi nhà, ngôi nhà ấy có tất cả chúng sanh. Trăm sông rồi về biển, phước huệ là tất cả pháp, đừng bao giờ tìm cầu ngôi nhà chánh pháp là cốt thép bê tông. Con chỉ có duy nhất “ ngôi nhà giải thoát” để trở về, còn lại mọi thứ trên thế gian chỉ là “ chặng dừng của niệm” thôi.

Sư phụ:

Hiểu không?

Đệ tử :

Dạ, con hiểu

Sư phụ:

Nếu không phải duyên bổ xứ, chẳng phải ý chỉ của Thầy Tổ thì Ta trì bát du phương, không lập Đức Bổn đâu

Ta thì không mang gì đến với đạo nên tất cả đều của đời dâng đạo, không phải của Ta. Cha mẹ cho hình hài không hiếu dưỡng được còn mang gánh nặng đè vai là không tốt, người xuất gia tâm nghĩ đến thân tình không sai nhưng liên lạc lại qua nhiều thì cũng như ngài Ananda tranh thủ về thăm vậy.

Đời tu sĩ phải thấu hiểu thật sự “ bần tăng” là thuận duyên phước báo giải thoát, phú túc là nghiệp thô lậu phải trả thế gian.

Con muốn đi trọn vẹn thì căn bản hạnh phải kiên trì, mang theo cốt nhục đi cầu đạo thì ái nghiệp đeo đuổi mãi thôi không dứt.

Đệ tử :

Con xin y giáo phụng hành ạ

Con cảm thấy mình còn là đứa trẻ ngây thơ nhìn cuộc đời bằng một ánh nhìn như vốn dĩ, mà vô tình lãng quên đi đằng sau đó có thể là cả một câu chuyện dài. Chính những lời dạy bảo của Sư Phụ trong rất nhiều những bài giảng về ba mẹ, trong những buổi lễ Vu Lan mà Sư Phụ đặc biệt tổ chức đã làm cho chúng con thức tỉnh. Người đã dạy chúng con công ơn ba mẹ như trời biển, tội bất hiếu không cách nào đền. Là một người con Phật trước hết các con phải là một đứa con hiếu thảo vì đạo Phật cũng chính là đạo hiếu… Nhờ ơn Tam Bảo, ơn Sư Phụ giờ đây chúng con biết mình mang nhiều tội lỗi, ngưỡng mong sám hối tội mình để mong ba mẹ con được an lạc bình an…

Sư phụ :

Học kinh Phật để tu thân

Chẳng phải để trốn nợ trần áo cơm

Tinh chuyên lưu ký cảo thơm

Phận con hiếu thuận đền ơn cội nguồn

Thời gian cứ thế trôi qua như thoi đưa… mới đó đã gần ba năm con được làm đệ tử của người. Đó không hẳn là thời gian dài nhưng cũng đủ để cho con cảm thấy sự may mắn của mình khi được biết đến Phật Pháp, biết đâu là nơi để đi về, đủ để con cảm thấy rằng Sư Phụ là chỗ dựa vững chắc cho chúng con, là Người mà chúng con luôn ngưỡng mộ và kính quý. Mỗi lần có cơ hội được nhìn thấy những bước chân thong dong với chiếc áo nâu đã phai màu theo thời gian, được nghe những lời chỉ dạy ấm áp, đề tài mà Người chia sẻ là về Phật Pháp hay chuyện đời thường nhằm khuyến tấn cho chúng con cùng nhau tu tập, phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau… Đó là khoảng thời gian con cảm thấy bình yên nhất, đáng quý nhất.

Ngôn ngữ nào có thể kể về thầy tôi

Cả một đời với bao tâm huyết

Đem chánh pháp đến nơi nơi

Lời người là tinh hoa, là cốt tủy đạo màu

Để cho con và tất cả mọi người

Vơi đi đau khổ cuộc đời

Nguyện học theo hạnh của người

Cả một đời với hạnh nguyện vị tha

Con ở nơi đây hướng về người

Hướng về cội nguồn Đức Bổn A Lan Nhã

Chí thành chí kính đảnh lễ người

Mong người thật nhiều sức khỏe

Để chánh pháp mãi có người kế ngôi

Với tấm lòng cao quý của người

Hương vị giải thoát bay vào đời

Hương vị giải thoát tỏa khắp nơi

Để cho chánh pháp mãi rạng ngời.

Dẫu mai này chúng con có thành công hay thất bại thì chúng con vẫn mãi là đệ tử của Người.
Thời gian làm cho mọi thứ thay đổi, nhưng vẫn còn đó hình ảnh người Thầy, người chỉ mang trên mình màu áo nâu giản dị trong tâm của chúng con.

Phật khai lối

Pháp là đường

Tăng già hướng dẫn

Con nương trở về”

Ngưỡng mong Tam Bảo, từ bi gia hộ cho Sư Phụ dồi dào sức khỏe, thân tâm thường an lạc, đạo pháp viên mãn để dẫn dắt chúng con trên bước đường tu tập chánh pháp. Sư Phụ mãi là ngọn Hải Đăng tỏa sáng, là ánh sáng vĩnh cửu soi sáng tâm chúng con mỗi lúc lầm mê.

Cảm ơn Sư Phụ vì đã là Sư Phụ của chúng con…

Nam mô A Di Đà Phật !

Con: Tỳ Kheo Ni Diệu Chơn

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x