Trích: Kinh Tứ Thập Nhị Chương (Phẩm Tựa Tổng khởi Phận) 30/11/2021

Trích: Kinh Tứ Thập Nhị Chương (Phẩm Tựa Tổng khởi Phận)

Nhà Hậu Hán, Ca-Diếp-Ma-Đằng  và Trúc-Pháp-Lan cùng dịch

Chánh Văn:

Thế Tôn thành đạo dĩ, tác thị tư duy, ly dục tịch tĩnh, thị tối vi thắng, trụ đại thiền định, hàng chư ma đạo, ư Lộc Dã Uyển trung, chuyển Tứ Đế pháp luân, độ Kiều Trần Như đẳng ngũ nhân nhi giai chứng đạo quả.

Phục hữu Tỳ Khiêu sở thuyết chư nghi, cầu Phật tấn chỉ, Thế Tôn giáo sắc, nhất nhất khai ngộ, hiệp chưởng kính nặc nhi thuận tôn sắc.

Việt dịch:

Đức Thế Tôn thành đạo. Ngài tư duy như vầy: Lìa bỏ ham muốn được tịch tĩnh, là cao tột của sự chiến thắng. An trú nơi đại định, hàng phục chúng binh ma. Ở nơi vườn Lộc Uyển, chuyển bánh xe Tứ Đế, độ các ông Kiều Trần Như cả năm người đều chứng đạo quả.

Lại có các vị Tỳ Kheo nói lên những chỗ còn nghi, cầu Phật chỉ bày.  Thế Tôn dạy rõ,ai nấy đều được khai ngộ, chấp tay kính lễ thuận theo Phật dạy.

Thiểu dẫn:
Mở đầu phẩm kinh cho chúng ta thấy, Khi thành đạo Đức Thế Tôn dạy rõ: xa lìa các sự tham chấp của tâm thức sẽ đạt được cảnh giới an lạc tịch tĩnh, đó là con đường tối thắng, đó là sự chiến thắng tối thượng của chính mình. An trú nơi tịch tĩnh đó, an nhiên bất động gọi là đại định mà hàng phục các niệm thiện ác dấy khởi gọi là hàng phục chúng binh ma. Nơi vườn Lộc Dã Uyển, Ngài chuyển bánh xe Chánh Pháp đầu tiên gọi là Bốn Sự Thật (Tứ Đế), Khổ (khổ), Nguyên nhân huân tập sự khổ (Tập), phương pháp diệt khổ (Diệt), con đường chân lý giải thoát (Đạo), độ năm anh em ông Kiều Trần Như đều chứng đạo quả.

Lại có các hàng Tỳ Kheo nói lên chỗ pháp sở hành còn chưa tỏ, nghi ngờ, cầu Đức Thế Tôn giải nghi và dạy phương pháp chứng nghiệm, khi đó Đức Thế Tôn dạy rõ chỗ còn nghi và chỗ chứng nghiệm, ai ai cũng được khai ngộ, chấp tay cung kính, phụng trì y theo chỗ dạy.

Nói cách khác, khi hành giả đạt đến chỗ thành tựu được các Pháp, công đức được viên mãn được thế gian tôn kính thì gọi là Đức Thế Tôn, bắt đầu từ chỗ xa lìa được các dục nhiễm, tạp niệm cố hữu, tham chấp, từ vi tế đến hiện lượng, đạt đến chỗ không dấy khởi hoàn toàn rỗng rang của tâm thức tịch tĩnh, đây mới là cảnh giới tối cao, là sự chiến thắng vẻ vang nhất của một hành giả, ở nơi hoàn toàn rỗng rang ấy, mà sóng ngòi của sự dấy khởi, các niệm thiện ác, bỉ thử, có, không, được và mất, tự nó không có chỗ để nương đỡ, do đó mà không dấy khởi gọi là hàng phục các ma oán. Do các niệm không dấy khởi mà cảnh giới của tâm thức được an nhàn, bình dị, từ đó thấu rõ được thật tướng, nguyên nhân dẫn đến các khổ, lấy thật tướng của bốn pháp (Tứ Diệu Đế) chuyển hóa vòng luẩn quẫn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thành ngũ phần hương (Hương Giới – Định – Tuệ – Giải thoát – Giải thoát tri kiến) đạt đến cảnh giới Giác Ngộ.

Trên phương diện thực hành, Hành Giả thực hành miên mật khởi lên nghi tình, cần cầu các bậc Giác Ngộ, bậc Minh Sư, Bậc Thiện Tri Thức, chỉ dạy dùng các phương tiện sách tấn, khai ngộ. Chỉ những bậc Giác Ngộ, các Bậc Minh Sư, các Bậc Thiện Tri Thức mới đầy đủ phương tiện, trí, lực, để trợ duyên và sách tấn, khai ngộ cho hành giả thành tựu như sở nguyện, đối với mỗi mỗi hành giả nhiếp phục các pháp sở hành thành tựu được các pháp, đều khởi nguồn từ cung kính, khiêm cung, theo gương của chư Phật, chư Tổ.

Trên đây là đôi lời thiển cận của hàng hậu học. Xin được chia sẻ cùng quý đạo hữu hữu duyên, rất mong được sự góp ý,bổ khuyết những chổ còn thiếu xót, mờ nghĩa của Chư Hiền. Ngõ hầu lấy đó bổ túc vào hành trang tấn tu giải thoát. Kính chúc chư Hiền Giả vô lượng an lạc, pháp hỷ sung mãn.


Tăng sinh:Tỳ Kheo Thích Đức Trí

 

 

 

 

 

1.5 2 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x