Thời Đức Phật còn tại thế, Bà-la-môn giáo coi việc nghi lễ tế tự là hàng đầu. Nghi lễ là đặc quyền của tu sĩ. Ý nghĩa của nghi lễ là sự giao tiếp giữa các tu sĩ với Thượng đế, Thần linh, điều mà mọi người bình thường không với tới được. Đức Phật là người đả kích một cách mạnh mẽ vào thành trì nghi lễ ấy, rõ ràng từ thuở ban đầu đạo Phật đã từ bỏ một ý nghĩanghi lễ như vậy. Sau khi Đức Phật nhập diệt, đời sống của Tăng đoàn có thay đổi, do sự thích nghi với phong tục tập quán, đáp ứng nhu cầu của quần chúng để tồn tại và phát triển, vấn đề nghi lễ được đặt ra.
Đạo Phật Việt Nam chịu sự ảnh hưởng đạo Phật Trung Hoa và chế độ phong kiến nên đã du nhập học thuật của Khổng, Lão và tín ngưỡng dân gian. Do đó, khía cạnh nghi lễ của Phật giáo khá phức tạp và phát triển khá mạnh mẽ. Nhất là thời kỳ phong kiến kéo dài, nghi lễtế tự được ưa chuộng khuyến khích.
Vì vậy, triết lý đạo Phật cao siêu và trong sáng mà vẫn không khống chế hay giới hạn nổi sự phát triển của nghi lễ. Nói cho công bằng thì nghi lễ cũng là góp phần một cách thiết thực và hiệu quả trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh, điều mà bậc tiền bối, Tổ sư thường nhấn mạnh rằng: Nghi lễ dù quan trọng vẫn chỉ là phương tiện dẫn dắt chúng sinh vào đạo, chứ không phải là con đường thật sự đạt đến giác ngộ.
Nghi lễ thường đi đôi với nhạc. Lễ và Nhạc, theo triết lý chủ yếu của Nho giáo, có tác dụngchuyển hóa con người và xã hội. Đức Khổng Tử coi lễ rất quan trọng để kiểm soát hành vi, ước muốn bất thiện của con người, còn nhạc để điều hòa cảm hóa lòng người. Nhạc và Lễ của Nho giáo đã ăn sâu vào đường lối cai trị của quốc gia và quan niệm sống của xã hộithời xưa. Nó ảnh hưởng nhất định vào nếp sống của con người và xã hội Á Đông ngày nay.
Nghi lễ Phật giáo cũng có hai phần Lễ và Nhạc, tùy theo truyền thống văn hóa nghệ thuật của mỗi miền mà phần lễ nhạc Phật giáo sẽ ảnh hưởng và biểu hiện theo truyền thống ấy. Nghi lễ Phật giáo mang màu sắc lễ nhạc cổ truyền của dân tộc, là một mảng của nền văn hóa truyền thống cần phải tôn trọng bảo tồn.
1. Nghi lễ biểu hiện lòng tôn kính Tam bảo Để bày tỏ niềm tin, lòng thành kính của mình đối với Đức Phật, chánh pháp và chúng tăng, người Phật tử đảnh lễ cúng dường, ca ngợi Tam bảo. Niềm tin Tam bảo sâu sắc sẽ tạo một sự chuyển hóa trong tâm hồn con người. Người tu tập dựa vào đức tin cũng có những tiến bộ tâm linh nhất định. Trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật đề cập đến bảy quả vị tu chứng, trong đó quả vị “Tùy tín hành” là một; quả vị này thuộc về tình cảm hay niềm tin vững chắc đối với Tam bảo.
Trong ý nghĩa tôn giáo, nghi lễ là một món ăn tinh thần cần thiết của tín đồ. Khi mà tâm hồn con người chưa được khai phóng triệt để, nói cách khác là trình độ nhận thức của tín đồ chưa đạt đến tầm cao, chưa tự giải thoát đối với mọi hệ lụy của cuộc đời thì nghi lễ biểu lộ lòng thành kính trong sạch của tín đồ đối với bậc Đạo sư, đối với Pháp, đối với Tăng, qua hành vi ngôn ngữ. Trong trường hợp này, nghi lễ tất nhiên được coi trọng và khuyến khích, vì đó là hành động tăng thượng tâm, thiện pháp củng cố, ác pháp tổn giảm.
Có người cho rằng, nghi lễ là hình thức không cần thiết, họ chỉ tu tâm thôi, tâm mới quan trọng. Thực ra, tâm có tu hay không phải coi tướng có ổn định hay không. Trong nghĩa rộng của nghi lễ thì ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh đều là nghi lễ cả.
2. Nghi lễ nghệ thuật hóa triết lý
Nền triết lý của đạo Phật rất cao siêu nên đối với quần chúng bình dân khó thâm nhập. Thông qua nghi lễ, đạo lý cao siêu được cảm nhận bằng trái tim hơn là bằng trí óc. Triết lý được nghệ thuật hóa có vẻ như nghịch lý; tuy nhiên, cách thể hiện của nghi lễ lại dựa trêncơ sở triết lý.
Đó là lý do tại sao có những vị thích những bài kệ tụng bằng chữ Hán hơn là dịch ra tiếng Việt. Khi nghi lễ chuyên chở được đạo lý cao siêu thì tín ngưỡng của người Phật tử trở thành pháp môn tu tập và phương pháp hành đạo.
Có những vị thầy chuyên môn về nghi lễ cho rằng nhạc Phật giáo là một nghệ thuật diễn đạt đời sống tâm linh vượt thoát khổ đau phiền muộn, cũng như một thi sĩ sáng tác một bài thơ hay đem đến cho người thưởng thức một niềm vui nhẹ nhàng và thanh thoát. Với quan điểm này, họ gợi ý cho ta có cái nhìn về nghi lễ như là một bộ môn nghệ thuật mà mục tiêu là đem lại an lạc cho tâm hồn.
3. Nghi lễ là phương tiện độ sanh
Trong các phương tiện dẫn dắt người vào đạo, nghi lễ là một phương tiện phổ biến, hiệu quả rất cao, có nhiều người không bao giờ đi chùa, nhân dịp cha mẹ, ông bà qua đời, quý thầy giúp đỡ lễ tang, từ đó họ đi chùa quy y. Nhu cầu về tinh thần của con người rất lớn. Cầu nguyện là một phương pháp tốt nhất khi những bất an xảy đến cho họ mà không thể giải quyết được bằng các phương tiện khác.
Đã là phương tiện thì chúng không phải là chân thật. Vì vậy vị thầy sử dụng nghi lễ cần có những giới hạn nhất định và nên có thái độ vô chấp đối với nghi lễ. Nhất là cần tạo cho nghi lễ có những ý nghĩa giải thoát khổ đau.
Một cuộc lễ đúng cách có tác dụng làm cho tâm hồn định tĩnh, chuyên chú trang nghiêm. Con người rất dễ bị ngoại cảnh tác động, nên một khung cảnh trang nghiêm có nghi lễ, quy củ, làm cho lòng người có những rung cảm và ứng xử thích hợp. Nghi lễ sẽ tạo thành không khí lễ nghĩa, làm cho con người có tập quán đạo đức hướng về điều tốt điều phải một cách tự nhiên. Ở chỗ có mồ mả thì có cái không khí bi ai; ở chỗ có đền miếu chùa chiền thì có cái không khí tôn kính. Nhờ nghi lễ mà mọi người tự khép mình vào trong cái không khí ấy, và điều quan trọng là nghi lễ tạo ra không khí đạo đức.
Khi tiến hành một cuộc lễ, người chủ lễ hay những người tham dự lễ thân, khẩu, ý đều thanh tịnh, chuyên chú vào nội dung cuộc lễ. Như vậy tâm của mọi người đều được trang nghiêm. Ngay cả những người không theo tôn giáo, hay không thích nghi lễ tôn giáo, khi họ đứng vào hàng ngũ hay đạo tràng thì tự họ trở nên cung kính một cách tự nhiên. Nếu một khóa lễ không đảm bảo được tính nghi lễ thì sẽ không có tác dụng tốt như thế mà nó có thể phản tác dụng.
Nghi lễ có tác dụng rất lớn đối với các tôn giáo. Phật giáo dù không coi trọng nghi lễ nhưng nó vẫn chi phối phần lớn các sinh hoạt Phật sự, đôi khi còn là hoạt động chính của một ngôi chùa, bởi lẽ để đáp ứng nhu cầu của quần chúng và nhu cầu hoằng pháp.
1. Đối với quần chúng
Phần đông quần chúng đến với đạo Phật qua nhu cầu nghi lễ, nghĩa là đến với đạo bằngcon đường tình cảm. Một khóa lễ đúng mức có tác dụng cảm hóa rất lớn không thua một thời pháp hay. Có nơi nghi lễ lại có tác dụng hơn sự thuyết giảng. Nhu cầu phục vụ nghi lễvừa cao rộng vừa gắn bó với các sinh hoạt tinh thần, tình cảm, ước muốn của nhân dân.
Chúng ta biết rằng, xã hội Á Đông chịu ảnh hưởng nền văn hóa Nho, Phật, Lão, nhất là Nho giáo. Trong đó, Nhạc lễ là phương cách chính để cải hóa con người và xã hội. Nhạc lễ đã ăn sâu vào đời sống tinh thần và đạo đức của con người. Vì vậy, Phật giáo đã có một gia tài nghi lễ rất phong phú và chiếm một vị trí quan trọng trong tiến trình duy trì và phát triển đạo pháp.Mối liên hệ của con người trong xã hội rất phức tạp. Trong đó, các mối liên hệ tình cảm chiếm phần lớn như là: Cúng kỵ ông bà cha mẹ tổ tiên, ma chay, hiếu hỷ, âm binh cô hồn, thờ cúng thần thánh, cầu an, cầu siêu, cưới hỏi, xây dựng nhà cửa, chúc thọ…
2. Đối với đạo pháp
Duy trì và phát triển đạo pháp là nhiệm vụ của người Phật tử, phát triển tín đồ là nhiệm vụcủa chư tăng trong Giáo hội, nhất là các vị Trụ trì. Để làm tốt nhiệm vụ đó, vị Trụ trì phải nắm vững nghi lễ. Thực hành nghi lễ đúng mức sẽ là phương tiện sắc bén để hoằng pháp. Tuy nhiên, nếu không vững vàng bản lĩnh, ta có thể biến nghi lễ thành mê tín dị đoan, biến đạo Phật thành tà đạo.
Sử dụng nghi lễ như là phương tiện độ sanh cần phải có định hướng rõ và nhất quán, nghĩa là nghi lễ phải có ý nghĩa và nội dung đúng chánh pháp. Như vậy nghi lễ mới có ích cho đạo pháp.
Yếu tố nghi lễ đối với Phật giáo không được coi trọng mấy so với yếu tố triết lý hay tu tập, thiền định. Bởi lẽ, nghi lễ thỏa mãn nhu cầu cảm xúc mang tính sơ khai của một người mới vào đạo. Vì vậy, nghi lễ dễ bị đi lệch hướng, dẫn đến hạ thấp giá trị của nghi lễ. Nghĩa là cũng có những tác dụng tiêu cực, có thể có ba phương diện tiêu cực như sau:
1. Nghi lễ là phương tiện kiếm sống
Có một số Tăng Ni hành nghề cúng bái để sinh sống; họ đáp ứng mọi yêu cầu về nghi lễcủa quần chúng với điều kiện giá cả thỏa thuận, có chùa còn niêm yết bảng giá của một khóa lễ là bao nhiêu, tùy theo thời kinh dài hay ngắn, lễ lớn hay nhỏ.
2. Nghi lễ và mê tín dị đoan
Vấn đề nghi lễ chân chính, đúng chánh pháp và nghi lễ không đúng chánh pháp ít ai đặt ra cho phân minh. Sự mập mờ của nó làm cho nghi lễ dễ bị lệch lạc. Nhu cầu nghi lễ của quần chúng rất đa dạng và phức tạp. Tùy theo tín ngưỡng địa phương, phong tục tập quán văn hóa của từng vùng mà yêu cầu nghi lễ trở nên phức tạp đa dạng.
Mê tín hay chánh tín khác nhau căn bản ở chỗ ý nghĩa đạo lý của nghi lễ ấy, nội dung phải phù hợp với đạo lý nhân quả, nghiệp báo, duyên sinh. Nếu người chủ lễ thông suốt về nội dung và mục đích của cuộc lễ, có thể biến tà đạo thành chánh đạo.
Nghi lễ nếu được coi trọng thực hành thường xuyên và không có gì thêm nữa thì nó sẽ đưa đạo Phật trở thành tín ngưỡng thuần túy. Nghĩa là đạo Phật sẽ đánh mất phần cao siêu và giá trị là trí tuệ và giải thoát. Niềm tin vào thần thánh, cúng tế cầu nguyện là tín ngưỡngphổ thông. Nếu không có phần triết lý đạo học, thì đạo Phật sẽ đứng ngang hàng với các tín ngưỡng dân gian khác. Nghi lễ như vậy không còn là phương tiện nữa mà trở thành mục đích cứu cánh.
Có nhiều người nhìn đạo Phật qua các khía cạnh tín ngưỡng, coi những người Phật tử là những người chuyên “cầu trời khẩn Phật” và những ông thầy tu chỉ biết quỳ gối lạy lục cầu xin. Tín ngưỡng dù là một loại hình văn hóa nhưng nó không biểu hiện sự giải thoát giác ngộ và thoát khổ được. Đạo Phật chỉ coi tín ngưỡng là bước đầu tiên mà thôi. Do đó, nghi lễ dễ biến đạo Phật thành một loại tín ngưỡng thuần túy.
Nghi lễ Phật giáo là một pháp môn tu tập cũng có tác dụng chuyển hóa khổ đau, làm giảm áp lực của tham lam, sân hận, si mê. Mặt khác, đó là một phương tiện hoằng pháp lợi sanh rất có hiệu quả. Suốt gần 2.000 năm, đạo Phật có mặt trên đất Việt, nghi lễ Phật giáo đã tạo thành những dấu ấn tín ngưỡng văn hóa, đã xây dựng nền đạo đức và truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt.Để tiếp tục thực hiện tốt đẹp chức năng của nghi lễ Phật giáo, trong thời hiện đại, chúng tacần phải quan tâm hơn về việc thay đổi những gì không còn phù hợp, để làm cho nghi lễ vẫn là nét văn hóa đẹp của xã hội và đáp ứng nhu cầu hoằng pháp trong thế kỷ mới./.