Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu 14/12/2021

Thiền sư Linh Hựu (Quy Sơn)

(771 – 853)

Sư họ Triệu, quê ở Trường Khê, Phước Châu. Năm 15 tuổi, Sư từ thân xuất gia theo luật sư Pháp Thường ở chùa Kiến Thiện tại bản quận thế phát. Sau, Sư đến chùa Long Hưng ở Hàng Châu thọ giới. Sư học kinh, luật Đại thừa, Tiểu thừa rất uyên thâm.

Thiền sư Linh Hựu họ Triệu quê ở Trường Khê, Phước Châu. Ngài xuất gia năm 15 tuổi với luật sư Pháp Thường, như vậy ngài xuất gia ở chùa luật, chứ không phải chùa thiền. Ngài Pháp Thường là luật sư ở chùa Kiến Thiện tại bản quận.

 Sau, Sư đến chùa Long Hưng ở Hàng Châu thọ giới, nơi này cũng luật tông. Ngài xuất gia, thọ giới xong thì học kinh, luật, luận đại thừa tiểu thừa đều uyên thâm. Tổ Quy Sơn là một bậc chân tăng thật tu thật học từ những ngày còn nhỏ.

Năm 23 tuổi, Sư đến Giang Tây tham học với Bá Trượng Hoài Hải. Bá Trượng vừa thấy Sư liền nhận cho nhập chúng. Trong chúng, Sư là người được cử đứng hàng đầu.

Năm 23 tuổi Ngài mới đến Giang Tây. Giang Tây là đạo tràng của Mã Tổ Đạo Nhất, Hồ Nam là đạo tràng của ngài Thạch Đầu Hy Thiên. Cả hai đều là trường thi Phật nổi tiếng đương thời. Bấy giờ Mã Tổ đã viên tịch, vị đích tử kế thừa là thiền sư Bá Trượng Hoài Hải. Vừa thấy Sư, Bá Trượng liền thâu nhận và cử vào thủ chúng. Điều này cho thấy tổ Bá Trượng có con mắt nhìn người, Quy Sơn sau này quả là bậc pháp khí trong tùng lâm.

Một hôm, Sư đứng hầu Bá Trượng. Bá Trượng hỏi:

– Ai?

Sư thưa:

– Con. Linh Hựu.

Tổ Bá Trượng hỏi như vậy là có biết Linh Hựu không? Đây là một cách khai thị, chứ làm sao không biết thị giả đứng hầu một bên là ai.

Bá Trượng bảo:

– Ngươi vạch trong lò xem có lửa chăng?

Sư vạch ra, thưa:

– Không lửa.

Bá Trượng đứng dậy, đến vạch sâu trong lò được chút lửa, đưa lên chỉ Sư, bảo:

– Ngươi bảo không, cái này là cái gì?

Sư do đây phát ngộ, lễ tạ trình bày chỗ giải ngộ của mình.

Nhân chuyện nhỏ như vậy thôi mà ngài Quy Sơn ngộ đạo, thật là con người đặc biệt. Ngài ngộ cái gì? Thật ra dù là người bình thường hay người siêu xuất, chỗ này cũng phải có công phu, có đào xới lâu ngày mới nhận ra. Vận dụng trí tuệ là căn bản của người tu thiền.

Vâng lệnh thầy, ngài Quy Sơn vào bếp vạch tìm nhưng không thấy lửa. Tổ Bá Trượng đứng dậy vào vạch sâu trong bếp, lấy ra chút lửa bảo: Ngươi nói không lửa, cái này là gì? Rõ ràng là lửa. Chịu khó đào xới sâu, có công phu mới biết đốm lửa này. Nó sờ sờ đó, chỉ tại chúng ta không nhận thôi. Thầy bảo lấy lửa không phải là đi lấy lửa bên ngoài. Lấy lửa làm gì trong lúc hầu thầy. Tổ đòi hỏi đệ tử phải tiến sâu vào chỗ đó. Người cầu đạo phải hiểu. Quả thật là một cách dạy học trò siêu xuất.

Bây giờ không nói ngài Bá Trượng, mà nói Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta cho gần gũi. Ngài dạy sao? Con nhập chúng, sống hòa hợp với chúng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm… cho tới trọn đời. Đừng lý sự chuyện bên ngoài, trừ khi cha mẹ chết, thầy tổ qua đời mới xin xuất chúng về thăm. Ngoài ra tuyệt đối không chạy theo ngoại duyên, chỉ xoay lại việc bổn phận của mình. Như vậy chắc chắn sẽ nhận ra chỗ thiền sư Bá Trượng muốn chỉ năm xưa.

Hòa thượng dạy rõ ràng như thế, nhưng chúng ta đâu có để ý. Nay đi Sài Gòn, mai xuống Mỹ Tho, nhiều duyên, nhiều việc… lăng xăng như vậy, làm sao mà dùi sâu, đánh chết con khỉ ý thức để ngộ đạo? Thầy kề tai nói với mình không biết bao nhiêu lần, vậy mà chúng ta vẫn chưa nghe ra. Tại sao thầy bắt mình ngồi thiền một thời hai tiếng đồng hồ? Thầy đâu không biết ngồi thiền đau chân, đâu không biết mình thích đi đây đi đó, nhưng vẫn bắt ngồi thiền. Để làm gì? Để dùi sâu tận đáy xem những vọng động, ý thức, tưởng tượng của mình, cốt cho chúng ta tỉnh ra mới ngộ đạo được. Hòa thượng khẳng định phải sống hòa hợp với đại chúng, quyết tử tu hành.

Bá Trượng bảo:

– Đây là con đường rẽ tạm thời. Kinh nói: “Muốn thấy Phật tánh phải quán thời tiết nhân duyên, thời tiết đã đến như mê chợt ngộ, như quên được nhớ, như tĩnh vật của mình không từ bên ngoài được.”

Cho nên Tổ sư bảo: “Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp.” Chỉ là không tâm hư vọng phàm thánh v.v… xưa nay tâm pháp nguyên tự đầy đủ. Nay ngươi đã vậy, tự khéo gìn giữ.

Tổ Bá Trượng dạy cách bảo nhậm chỗ chân thật. Gìn giữ và phát huy nó là bổn phận của người sau.

Muốn thấy Phật tánh phải quán thời tiết nhân duyên, thời tiết đã đến như mê chợt ngộ, như quên được nhớ, như tĩnh vật của mình không từ bên ngoài được.” Thời tiết đến là gì? Là nhận ra cái đó. Có người nhận ra được, vui mừng thốt lên: “À!”

Xưa Lục tổ Huệ Năng khi nghe Ngũ tổ giảng kinh Kim Cang, đến đoạn “bất ưng trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm; Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài ngộ được tự tâm tự tánh của mình, liền thốt lên một loạt “đâu ngờ”:

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,

Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,

Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,

Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.

Chúng ta đã có sẵn, đã đầy đủ tự tánh, nhưng tại sao không nhận ra? Câu này mỗi người nên tự vấn. Lục tổ Huệ Năng là người miền quê, đốn củi đổi gạo nuôi mẹ, sống ở rừng núi. Nghe thầy nói khích một câu: “Ngươi là người mọi rợ, làm sao có thể ngộ được tâm tánh”. Ngài trả lời: “Thân con và thân Hòa thượng có khác, nhưng Phật tánh không khác”. Nói như vậy mới được vào công quả trong viện.
Ngài xuống bếp giã gạo mấy tháng trời tưởng như không ai biết, nhưng thật ra Ngũ tổ đã khéo léo để ý, coi người đệ tử quê mùa của mình như thế nào? Có khi nói được mà làm không được, mệt mỏi rồi gây gổ. Hồi mới vô cửa đảnh lễ thưa “con tha thiết cầu học Phật pháp, không màn danh vọng khoa bảng”, nhưng làm cực quá rồi cãi cọ, Phật tánh trốn mất. Người thời nay đa số là như vậy. Nhưng khi thấy Lục tổ đeo đá giã gạo, trong lòng ngài rất cảm khái.

Một hôm, thấy mình đã lớn tuổi, sự duyên giáo hóa sắp tới lúc kết thúc, nên Ngũ tổ bảo từ các vị từ thượng thủ cho đến toàn chúng, mỗi người làm kệ trình, ai vào cửa được thì truyền y bát cho. Bấy giờ trong chúng ai nấy đều thấy giáo thọ sư Thần Tú là vị thầy của mình, đâu còn ai siêu hơn nữa, nên việc làm kệ chỉ trông cậy vào đại sư Thần Tú.

Ngài Thần Tú biết đại chúng ngưỡng vọng, đặt gánh nặng cho mình như vậy nên mất ăn mất ngủ. Ngài đi lên đi xuống nhiều lần, làm kệ mà toát mồ hôi, vì biết mình thật sự chưa vào cửa được. Làm kệ xong rồi lại không dám ghi, đợi mọi người đi nghỉ hết, lén viết nhanh vào vách nơi Ngũ tổ thường tới lui, rồi về liêu đóng cửa lại, lắng nghe động tịnh bên ngoài, xem có ai nói gì không.

Đúng là sáng mai Ngũ tổ đi lại thấy bài kệ, biết của ngài giáo thọ rồi. Đọc xong, Tổ hỏi kệ của ai? Ngài Thần Tú bước ra “Bạch Thầy! Con cố gắng làm như vậy. Thầy thấy được thì dạy con thêm, nếu không được thì vì con phủi bỏ”. Ngũ tổ nói thẳng: Ngươi làm bài kệ này chưa thấy tánh, hãy làm lại kệ khác. Thần Tú sảng sốt, làm gì nổi nữa. Tuy nhiên, Ngũ tổ lại bảo đại chúng: Đại chúng y bài kệ này tu hành sẽ thành Phật. Trong chúng mới bắt đầu truyền tụng bài kệ của ngài Thần Tú:

Thân thị bồ-đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời cần phất thức,
Mạc sử nhạ trần ai.

    Dịch:

Thân là cội bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng,
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi bặm.

Đại chúng tụng niệm rình rang, bởi Tổ bảo tu theo bài kệ này sẽ thành Phật, chắc ăn quá rồi, đâu cần phải học sử, học luật gì nữa. Cả chùa lớn nhỏ xúm nhau tụng, nhờ vậy Huệ Năng mới nghe.

Có một chú tiểu đọc bài kệ cho nghe, Huệ Năng bèn nhờ chú dẫn đến chỗ bài kệ xin đảnh lễ. Lễ xong, ngài ứng lên nói “tôi cũng có bài kệ, nhân giả làm ơn viết giùm.” Khi đó có vị quan Biệt giá tên Trương Nhật Dụng do Ngũ Tổ đón về, để họa chân tướng của chư tổ trên vách chùa. Nghe Lục tổ nói thế, ông bảo: Tôi sẽ viết kệ dùm Ngài, nếu Ngài xong việc nhớ độ tôi trước. Lục tổ đọc:

Bồ-đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài,

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

Dịch:

Bồ-đề vốn không cội,

Gương sáng cũng chẳng đài,

Xưa nay không một vật,

Chỗ nào dính trần ai?

Kệ của Lục Tổ trái ngược hoàn toàn với kệ của ngài Thần Tú. Ở đây nhấn mạnh bồ-đề không có gốc. Tâm cũng không phải là đài gương sáng. Xưa nay không một vật, chỗ nào dính buiï bặm. Bài kệ biên lên rồi ai cũng sửng sốt. Không ngờ nơi một con người công quả tầm thường, lại là nhục thân Bồ Tát. Ngũ Tổ đến xem, biết rõ là của Lục tổ, ngài sợ có người hại, nên lấy dép chùi rồi nói: Bài kệ này cũng chưa vào cửa.

Một hôm, Ngũ tổ âm thầm xuống nhà trù, thấy Huệ Năng đeo đá giã gạo, Ngũ tổ khen: Người tu hành chịu cực đến thế này sao! Vì Lục tổ ốm yếu quá, không đủ sức để ấn cái chày xuống, phải nịch thêm viên đá vào lưng mới giã được.

Ngũ Tổ hỏi tiếp:

– Gạo trắng chưa?

– Trắng đã lâu, còn đợi giần sàng.

Ngũ Tổ cầm gậy gõ trên miệng cối ba cái, rồi chấp tay ra sau đi lên.

Đúng canh ba Lục tổ Huệ Năng lén lên phương trượng bằng cửa sau. Tổ gặn hỏi: Ngươi đến đây làm gì? – Dạ, Thầy kêu con đến. Chỗ này rất hay. Không phải Huệ Năng tới là Ngũ tổ mở cửa cho vô liền. Gạn lại lần cuối, xem đệ tử thật sự nhận ra ý chỉ của mình hay không.

Sau đó Ngũ Tổ lấy đại y che kín phương trượng rồi giảng kinh Kim Cang. Tới đoạn ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, ngài Huệ Năng bừng ngộ, đại ngộ, triệt ngộ, mới thốt lên năm cái “đâu ngờ”. Tổ biết Huệ Năng đã xong việc nên truyền y bát ngay trong đêm, rồi nói: Ngươi không thể ở đây được, ta phải đưa đi ngay. Đó là câu chuyện một nghe ngàn ngộ của những con người tái lai.

Ở đây lời dạy cũng rất đặc biệt, khi thời tiết nhân duyên đến thì nhận lại cái sẵn có của mình, nó đâu phải là vật bên ngoài. Cho nên Tổ sư bảo: “Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp”. Người ngộ rồi cũng như chưa ngộ, vì đâu phải là cái gì khác.

Chỉ là không tâm hư vọng phàm thánh v.v… xưa nay tâm pháp nguyên tự đầy đủ. Nay ngươi đã vậy, tự khéo gìn giữ. Người đã đến được chỗ không tâm hư vọng phàm thánh, thì không còn ngược xuôi, vọng tưởng kéo lôi, phải khéo giữ gìn như thế.

Sư theo Bá Trượng làm việc trong núi, Bá Trượng hỏi:

– Đem được lửa đến chăng?

– Đem được.

– Ở chỗ nào?

Sư cầm một cành cây thổi vài cái, đem trao cho Bá Trượng.

Bá Trượng bảo:

– Như trùng đục cây

Đây lại một lần nữa dò xem, coi đệ tử có phải là sống được chỗ thật địa chưa. Hồi xưa các đạo tràng lớn thường có thiền trang trồng trà, trồng lúa v.v… Ngày phổ thỉnh, Thầy trò đều đi làm. Thầy hỏi: Đem được lửa đến chăng? Tức là nhắc lại công án trước đó. Đệ tử thưa: Đem được. Hỏi: Ở chỗ nào? Tức là ông chỉ ta xem. Sư cầm một cành cây thổi vài cái, đem trao cho Bá Trượng. Bá Trượng bảo: – Như trùng đục cây.
Như trùng đục cây là sao? Con trùng đục vỏ cây, chỉ mỏng bên ngoài thôi. Thầy chấp thuận nhưng đây chỉ mới biểu hiện nhẹ nhẹ bên ngoài thôi. Tóm lại còn nhiều lần thanh tra nữa.

Tư Mã Đầu-đà([1]) từ Hồ Nam đến yết kiến Bá Trượng, thưa:

– Quy Sơn là thắng cảnh nên lập đại đạo tràng kết tập bạn pháp.

Bá Trượng hỏi:

– Lão tăng muốn đến Quy Sơn nên chăng?

– Quy Sơn kỳ tuyệt có thể họp một ngàn năm trăm chúng, nhưng chẳng phải chỗ Hòa thượng ở.

– Sao vậy?

– Hòa thượng là người xương, núi kia là núi thịt, dù có ở, đồ đệ chẳng đầy một ngàn.

– Trong chúng ta có người ở được chăng?

– Đợi xem qua mới biết.

Bá Trượng sai thị giả gọi Đệ nhất tọa đến, tức thiền sư Hoa Lâm, hỏi:

– Người này thế nào?

Đầu-đà bảo Hoa Lâm tằng hắng một tiếng, đi vài bước, thưa:

– Người này không được.

Bá Trượng sai thị giả gọi Điển tọa đến, tức sư Linh Hựu.

Đầu-đà thưa:

– Đây chính là chủ Quy Sơn.

Tối lại, Bá Trượng gọi Sư vào thất dặn dò:

– Ta hóa duyên tại đây, ngươi sẽ ở thắng cảnh Quy Sơn để nối tiếp tông môn của ta và rộng độ kẻ hậu học.

Nhiệm vụ của chư tổ, của các bậc thầy chúng ta lúc nào cũng vậy. Mở mang tông phong, Phật pháp, rộng lợi lạc chúng sanh. Tư Mã Đầu-đà là vị thiền sư thông cả địa lý và tướng số, từ Hồ Nam đến yết kiến Bá Trượng thưa việc lập đạo tràng trên núi Quy Sơn. Khi thấy ngài Linh Hựu đến, Tư-Mã-Đầu-đà nói đây chính là chủ Quy Sơn. Ngài Bá Trượng vui vẻ chấp thuận và dặn dò đệ tử tiếp nối tông phong của mình. Chỗ này có hơi hướm phong thủy một chút.

Hoa Lâm nghe tin này đến thưa:

– Con là thượng thủ, tại sao Linh Hựu được trụ trì?

Bá Trượng bảo:

– Nếu ai hay ngay trong chúng này nói được một câu xuất cách, sẽ cho trụ trì.

Bá Trượng liền chỉ tịnh bình hỏi:

– Chẳng được kêu là tịnh bình, ngươi kêu là gì?

Hoa Lâm thưa:

– Không thể kêu là cây lủng vậy.

Bá Trượng lại hỏi Sư.

Sư đạp nhào tịnh bình rồi đi ra.

Bá Trượng cười bảo:

– Đệ nhất tọa thối lui núi này.

Bá Trượng bèn sai Sư đến Quy Sơn.

Tổ Bá Trượng chọn người đến Qui Sơn, mở mang đại đạo tràng, làm lợi ích chúng sanh đời sau. Nơi chúng đông mà sắp đặt không dân chủ, có khi họ dị nghị. Do vậy ngài Bá Trượng gọi Đệ nhất tòa là thiền sư Hoa Lâm trước, Tư-Mã-Đầu-đà bảo Hoa Lâm tằng hắng một tiếng, đi vài bước xem, rồi nói đây không phải chủ Quy Sơn. Cho gọi Điển tọa đến, ngài Quy Sơn vừa tới, Tư-Mã-Đầu-đà liền bảo “đây là chủ Quy Sơn”. Đó là nhân duyên mở mang Phật pháp tại núi Quy của ngài.

Hoa Lâm là sư huynh, nghe tin này tới thưa: Con là thượng thủ, tại sao Linh Hựu được trụ trì? Ngài Bá Trượng khéo léo nói. Nếu ai hay ngay trong chúng này nói được một câu xuất cách, sẽ cho trụ trì. Bá Trượng chỉ tịnh bình bảo không được kêu tịnh bình, thử nói xem. Hoa Lâm nói: Không thể kêu là cây lủng vậy. Bởi tịnh bình thì ở trong bọng để chứa nước, nên ngài Hoa Lâm nói không thể gọi là cây lủng.

Đến ngài Quy Sơn, Sư đạp nhào tịnh bình rồi đi ra. Bá Trượng cười bảo: Đệ nhất tọa thối lui núi này. Bá Trượng liền cử Linh Hựu đến núi Quy.

Non Quy cao vót không có bóng người lai vãng, là hang ổ của cọp sói. Sư đến đây cất một am tranh, hằng ngày lượm trái lật, trái dẻ làm thức ăn nuôi sống.

Đã bảy năm qua, một hôm Sư tự nghĩ: Đạo cốt tiếp vật lợi sanh, ở một mình chẳng phải. Sư bèn đi lần xuống núi, thấy cọp sói, Sư bảo: “Nếu ta có duyên với núi này, các ngươi nên đi tránh chỗ khác. Nếu ta không có duyên ở đây thì các ngươi cứ ăn ta đi”. Sư nói xong, các loài thú dữ đều đi tứ tán, Sư trở về am yên ở như trước.

Sau khi cất am trên núi Quy bảy năm, Ngài nghĩ sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, không phải chỉ ở riêng một mình như vầy. Tuy nhiên từ khi lên đây cất am, lượm trái cây ăn sống qua ngày, chưa biết tình hình núi này thế nào. Một hôm Sư thử lần xuống núi, thấy cọp sói đầy hết nên chẳng ai dám tới đây. Ngài nói với chúng: “Nếu ta có duyên với núi này, các ngươi nên tự tránh chỗ khác. Nếu ta không có duyên ở đây thì các ngươi cứ ăn ta đi”. Đây là một câu vừa thách thức vừa thương lượng với chúng đệ tử dữ dằn. Nghe thế, các loài thú dữ đi tứ tán hết, Ngài trở về thất ở yên như trước.

Không bao lâu, dân cư dưới chân núi từ từ hay biết, họ rủ nhau kéo lên núi cất một ngôi chùa cho Sư. Sau này, Liên soái Lý Cảnh Nhượng tâu Vua xin ban hiệu chùa, Vua ban hiệu là Đồng Khánh. Kế đến, có Thượng tọa Đại An và một số chúng từ Bá Trượng đến phụ tá Sư. Đại An nói: “Tôi sẽ làm Điển tọa cho Hòa thượng.” Số chúng lần lần lên đến cả ngàn. Tướng quốc Bùi Hưu cũng thường tới lui thưa hỏi chỗ huyền áo.

Dân chúng từ từ biết được và đem phương tiện lên núi cất một ngôi chùa cho ngài. Chùa hiệu là Đồng Khánh. Sau đó có quan Liên soái Lý Cảnh Nhượng tâu Vua xin ban hiệu chùa. Đời này là đời Đường, Vua họ Lý. Có lẽ vị quan này nằm trong tông tộc của nhà Vua. Vua ban hiệu chùa là Đồng Khánh. Sau đó Thượng tọa Đại An từ nơi Bá Trượng đem chúng đến để trợ lý cho Ngài. Pháp hội dần dần đông đảo, số chúng lên tới hơn ngàn người.

Sư thượng đường dạy chúng:

– Phàm tâm của người học đạo phải ngay thẳng chân thật không dối gạt, không tâm hạnh sau lưng trước mặt, lừa phỉnh, trong tất cả giờ thấy nghe bình thường không có chiều uốn, cũng chẳng phải nhắm mắt bịt tai, chỉ lòng chẳng chạy theo vật là được. Từ trước chư thánh chỉ nói: bên nhơ bợn là lỗi lầm. Nếu không như thế, lòng nhiều nghĩ ác là việc tình kiến tưởng tập. Ví như nước mùa thu lóng đứng trong trẻo lặng lẽ không động không ngại, gọi người này là Đạo nhân, cũng gọi là người vô sự.

Ngài định nghĩa thế nào là đạo nhân, là người vô sự. Ngài dạy người học đạo tâm phải ngay thẳng, chân thật, không nên sau lưng trước mặt khác nhau. Trong tất cả giờ thấy nghe bình thường không chiều uốn, cũng chẳng nhắm mắt bịt tai, chỉ lòng chẳng chạy theo vật là được.

Thực sự bao nhiêu đây chúng ta tu học cũng đủ hết đời. Ngài dạy tâm phải ngay thẳng, chân thật, không dối gạt nhưng trái lại tâm mình thường không ngay thẳng và ít khi chân thật. Do vậy mình thường dối gạt, tệ hại nhất là tự dối gạt mình. Đây là điều đáng trách. Người học đạo không thể như thế được.

Hồi nhỏ tôi được sư phụ ở chùa quê kể cho nghe, tiên nhân vận y phục rất đẹp. Áo quần tha thướt, dịu dàng lướt bay trong gió trong mây. Họ dạo chơi, hái hoa trên thiên giới thật thong dong, thư thả, vui vẻ. Vừa kể vừa nhìn đám nhỏ, thấy chúng tôi có vẻ thích thú, thầy hỏi:

– Các con thích được như vậy không?

– Dạ thích. Thầy dạy con tu pháp nào để được sanh lên thiên giới đi.

Thầy từ tốn bảo:

– Khoan đã, nghe thầy kể tiếp nè. Trên đường về, mấy vị tiên tha thướt khi nãy, không biết vấp phải cái gì hay thấy người ta trẩy hội, khởi tâm ưa thích mà những sợi dây lụa buộc ngang thắt lưng bứt hết, liền ngã quỵ xuống và thấy mình rơi vào hạ giới, đi bách bộ.

Con người thấy lạ hỏi: Ngài ở đâu? Tại sao giá lâm chốn này? Tiên nhân bèn nói thật, tại tâm không ngay thẳng, không chân thật, tự dối gạt mình nên từ cõi trời rơi xuống nhân gian. Dối mình là sao? Cứ tưởng bay bổng trên trời xanh, nhưng không ngờ vướng một chút dư vị hay hình ảnh gì đó, không làm chủ được nên tâm không chân thật lòi ra, thế là rớt xuống cái bịch.

Không biết chuyện có thật không, nhưng thầy kể như vậy rồi hỏi:

– Các con còn thích lên thiên giới nữa không?

– Dạ thôi.

– Tại sao?

– Vì nó không thiệt.

– Đúng rồi.

Chủ trương tu học của đạo Phật là không chạy theo những thứ bay bổng màu mè. Bởi vì tất cả chúng đều không thiệt. Đó là hình ảnh mà người xưa mượn làm phương tiện dẫn dắt chúng sanh vào đạo. Sống với tâm ngay thẳng, chân thật, không dối gạt, lừa phỉnh. Tức là không màu mè, trình diễn gì hết. Trong tất cả thời thấy nghe bình thường, không chiều uốn, không chạy theo nó.

Cũng chẳng phải nhắm mắt bịt tai. Sống bình thường thôi, không cần phải nhắm mắt bịt tai. Chỉ lòng chẳng chạy theo vật là được. Tóm lại với tinh thần thiền, ngài Quy Sơn dạy chúng ta: Chỉ tâm mình không dính với vật. Không dính cảnh, không dính các pháp bên ngoài là được rồi.

Chỉ nói bên nhơ bợn là lỗi lầm. Đó là những chỗ bận lòng, trầm nịch, chúng ta tu hành đừng để bị rơi vào chỗ đó. Thiền sư nói: “Cả ngày ăn cơm mà không nhai bể một hạt cơm. Cả ngày làm tất cả việc mà không dính mắc bất cứ việc nào”. Ý như vậy. Thế thì chúng ta phải tu làm sao? Tức là bình thường, đói ăn, mệt nghỉ. Tuy nhiên đừng hiểu lầm chỗ này. Như bây giờ đang sinh hoạt thế này, có vị nói mệt đi ngủ thì không được. Đó là chiều uốn, mình bị dẫn bởi thân giả, bởi tâm vọng tưởng. Hoặc nói đói ăn mệt ngủ, nhưng cơm dọn lên mình thấy khó chịu, muốn đi nằm. Như vậy được không?

Thiền sư dạy chúng ta ăn hay ngủ cũng tự tại, không dính mắc bởi thân và tâm vọng tưởng. Được như vậy, nửa đêm thức dậy đốt lửa nấu ăn cũng không tội lỗi gì, miễn sao không vướng, không chạy theo trần cảnh. Sống được với chủ thể rỗng rang sáng suốt, thì mọi động dụng đều là diệu dụng. Bằng chưa được như vậy, chớ nên buông lung làm càng, trái giờ trái giấc với đại chúng là lỗi lầm.

Nếu không như thế, lòng nhiều nghĩ ác là việc tình kiến tưởng tập. Ví như nước mùa thu lóng đứng trong trẻo lặng lẽ không động không ngại, gọi người này là Đạo nhân, cũng gọi là người vô sự. Định nghĩa người tự tại đối với các pháp, gọi là đạo nhân cũng gọi là người vô sự. Qua đoạn này, chúng ta đủ tu rồi. Cả đời chỉ như vầy. Được như vầy không phải là dễ đâu.

Từ xưa đến nay, trong các đạo tràng, tùng lâm, học đường đều lấy lời dạy của ngài Quy Sơn làm nghi biểu cho đại chúng. Vì vậy vào đầu chương trình học của thiền viện, chúng ta được học Quy Sơn cảnh sách, tức là những lời răn nhắc của Ngài. Quy Sơn là tên núi, nơi ngài ở giáo hóa đồ chúng. Cảnh sách là những lời răn dạy, sách tấn người tu, trong đó có chúng ta.

Khi được học đến những lời dạy này, chúng ta thấy như ngài đang ở trước mặt. Những lời nhắc nhở thâm thúy, động viên, khuyến khích hàng môn hạ siêng năng tinh tấn tu hành. Nghi biểu này được xếp đặt từ Sư phụ của ngài, tức tổ Bá Trượng. Qui chế sinh hoạt tu học trong thiền môn đã được các ngài giữ gìn truyền nối từ đời này sang đời khác qua công phu tu hành. Những vị đích tử trong dòng chính luôn chịu trách nhiệm truyền thừa. Ngôn hạnh, cuộc đời, lời dạy của tổ Qui Sơn luôn là như vậy.

Đạo nhân ở đây nói ví như nước mùa thu lóng đứng trong trẻo lặng lẽ không động không ngại. Nếu xứ mình có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì chúng ta sẽ thấy rõ nước sông thu. Mùa này, có những cơn gió nhẹ se lạnh, lá cũng se lại, tất cả đều như chìm vào sự tĩnh mịch yên ả. Nhà Tống có Lữ Công Nguyên tả cảnh mùa thu, hơi thu, gió thu, nước thu, mình đọc qua là thấy cả mùa thu hiện lên rõ ràng.

Khi ấy, có vị tăng hỏi:

– Người được đốn ngộ có tu chăng?

Sư bảo:

– Nếu người khi thật ngộ được gốc thì họ tự biết, tu cùng không tu là lời nói hai đầu. Như nay có người sơ tâm tuy từ duyên được một niệm đốn ngộ chân lý nơi mình, nhưng vẫn còn tập khí nhiều kiếp từ vô thủy chưa có thể chóng sạch, nên dạy hắn trừ sạch dòng thức tạo nghiệp hiện tại, tức là tu vậy. Không nói có một pháp riêng dạy hắn tu hành thú hướng. Từ nghe nhập được lý, nghe và lý sâu mầu, tâm tự tròn sáng không ở chỗ mê lầm, hiện thời dù có trăm ngàn diệu nghĩa thăng trầm, hắn vẫn được ngồi yên mặc áo, tự biết tạo sanh kế.

Nói tóm lại: “Chỗ lý chân thật không nhận một mảy bụi, trong cửa muôn hạnh chẳng bỏ một pháp” (Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp). Nếu được như vậy, là một mình cầm đao thẳng vào, lòng phàm thánh sạch, hiện bày chân thường, lý sự không hai, tức Phật như như.

Qua những lời dạy này, có vị hỏi người được đốn ngộ có tu chăng? Ngài bảo “Nếu người khi thật ngộ được gốc thì họ tự biết, tu cùng không tu là lời nói hai đầu.” Nếu thật sự một người đã đốn ngộ rồi, tu hay không tu họ tự biết. Nói ra thuộc ngôn ngữ, không diễn tả tới chỗ ấy.

Như nay có người sơ tâm tuy từ duyên được một niệm đốn ngộ chân lý nơi mình, nhưng vẫn còn tập khí nhiều kiếp từ vô thủy chưa có thể chóng sạch, nên dạy hắn trừ sạch dòng thức tạo nghiệp hiện tại, tức là tu vậy. Tập khí tức là chủng tử, hơi hướm nghiệp tập của mình. Ngài trả lời như vậy là có tu, phải không? Người có duyên chóng ngộ đạo lý, nhưng chưa phải sạch hết hơi hướm chủng tử. Do vậy phải tu. Chỉ có tu mới sạch hết hơi hướm những chủng tử.

Chúng ta có hơi hướm chủng tử gì? Đời trước khởi niệm thế nào đó, bây giờ có mặt ở đây hoặc là thiện nam hoặc là thiện nữ. Tuy nhiên thiện nam hay thiện nữ gì cũng tu được, cũng thành Phật hết. Bây giờ còn trong giai đoạn thân nghiệp, nam là si mê, nữ là tham ái. Chúng ta xuất gia, quyết tâm tu thành Phật, chứ không trông mong gì khác. Nhưng bây giờ còn vướng si mê, còn nặng ái nghiệp nên cố gắng tu, phải tu thật nhiều. Tu sạch những thứ đó, không còn hơi hướm si mê, tham ái nữa mới thật sự giác ngộ, giải thoát.

Kinh A Hàm kể chư thiên cúng dường âm nhạc cho Phật và chư Thánh đệ tử tại thiên cung. Khi âm nhạc trỗi lên, trưởng lão Ca Diếp là đại sư huynh của hàng thánh chúng, tu khổ hạnh, tự nhiên thân ngài diêu động theo nhịp thiên nhạc. Hội chúng thấy vậy, ngạc nhiên trình với Phật. Đức Thế Tôn nói vì nhiều đời Ca Diếp là một nhạc công cõi trời, tuy bây giờ đã thành thánh, nhưng còn chút hơi hướm cũ, có cơ hội nó hiện ra.

Một hơi hướm cũ khi đã ăn sâu vào tàng thức, bỏ không phải dễ, hà huống nghiệp tập đầy đầu, biểu mình lột sạch hết, dễ không? Ai dám nói tu dễ, nhưng thật sự nó không khó. Nếu khó thì chúng ta không tu được. Như vậy tu không dễ cũng không khó. Quyết tâm, cố gắng là được. Ban đầu, tu trừ những phần nổi, nghiệp nhân tăm tối bên ngoài rồi tới giai đoạn dùng định và trí tuệ để trị hơi hướm chủng tử bên trong. Niệm vừa dấy lên, phải lấy kiếm trí tuệ chặt nó, không có cách nào khác.

Tổ dạy đừng chao đảo, tâm phải lóng lặng, tức đầy đủ định tuệ, mới trị được hơi hướm chủng tử. Huynh đệ mỗi người đều có hơi hướm riêng. Người giỏi việc này, người đặc biệt việc kia, người chưng hoa đẹp, người quét chùa sạch, người siêng bắt ghế lao chùi, moi móc từng tí bụi bặm chẳng hạn. Nhưng khi hạ thủ công phu thì tất cả những thứ đó phải sạch. Sạch chủng tử thì mới bước lên thánh vị.
Thánh vị ở đâu? Ngay trong đời sống của chúng ta, chứ không ở đâu hết. Dưới mỗi bước chân của huynh đệ đó. Cho nên các bậc thầy dạy, mỗi khi từ trên giường hạ chân xuống xỏ vào dép phải tỉnh, phải sáng. Chư tổ còn dạy nhớ xem bước đi của mình có lọt hầm hố chông gai gì không… Tất cả đều gầy dựng tỉnh lực, lôi dẫn chúng ta quay về nhận và sống lại với chính mình. Pháp tu này gọi là trực chỉ, chỉ thẳng tâm mình.

Một khi chúng ta nhận được yếu chỉ, thấy tu thiền không còn khó nữa, cũng không bị điên khùng gì. Nếu điên khùng là tại cái nghiệp của mình. Phải tự ăn năn, tự chữa trị bệnh điên khùng, đừng đổ thừa tại tu mà như vậy. Đó là sai lầm. Càng tu càng nhẹ, càng sáng, càng hết nghiệp, càng được giải thoát, chứ không phải điên đảo phiền não.

Nhưng vẫn còn tập khí nhiều kiếp từ vô thủy chưa có thể chóng sạch, nên dạy hắn trừ sạch dòng thức tạo nghiệp hiện tại, tức là tu vậy. Ngài dạy rõ ràng, tu là trị dòng thức tạo nghiệp hiện tại. Nghĩa là sao? Chúng ta sống theo ý thức phân biệt, so đo tính toán, ngược xuôi dính mắc bên ngoài. Mình không buông được vọng tưởng, nó dẫn mình tạo nghiệp, nên nói rơi vào dòng thức. Đã tạo nghiệp thì bị nhân quả, không chạy đằng nào khỏi.

Từ nghe nhập được lý, nghe và lý sâu mầu, tâm tự tròn sáng không ở chỗ mê lầm, hiện thời dù có trăm ngàn diệu nghĩa thăng trầm, hắn vẫn được ngồi yên mặc áo, tự biết tạo sanh kế. Ngài dạy từ nghe nhập được lý. Nghe làm sao để nhập lý, tức phải tư, gọi là tam tuệ học văn, tư, tu. Chúng ta nghe Phật pháp, suy ngẫm ý nghĩa để thể nhập. Công phu hiện bày đầy đủ, từ đó không còn dính mắc trần cảnh thì giác ngộ, giải thoát hiện tiền. Nói dài dòng như vậy, thật sự là phải có định tuệ.

Người tu thiền chọn cách ngồi làm phương tiện chuẩn mực nhất. Do vậy đầu đêm ngồi, cuối đêm ngồi, buổi sáng ngồi, buổi chiều ngồi. Bất cứ thời nào nếu muốn yên ổn, muốn điều hòa thân tâm, muốn tự tại với tất cả cảnh duyên thì ngồi thiền. Ngồi quen rồi không còn đau chân nữa. Nhưng những vị đau khớp, viên khớp tìm 90 phút yên ổn rất khó. Tuy nói một phút 60 cái tích tắc, song với người bệnh khớp tìm từng phút giây an ổn rất gian lao. Cho nên họ phải cố gắng, chiến đấu và chiến thắng bệnh tật không phải chuyện dễ.

Tổ sư dạy không phải ngồi bình thường, mà ngồi tréo chân lại mới lạ. Sao không ngồi ghế bành, ngồi tréo chữ ngũ chữ tam cho khỏe, mà tréo kiết-già mới ngặt. Thật ra đó chính là cách để mình không chạy đi đâu được. Một phen tréo chân rồi thì kể như phải ngồi đó, nhìn Phật và nói: “Phật ơi, con không có chạy đi đâu được nữa hết, con bị trói ở đây rồi”. Hiểu như vậy thì tốt.

Hồi xưa ở trên núi, buổi sáng ngồi thiền một tiếng, buổi chiều hai tiếng. Buổi sáng có một tiếng nhưng lại rất buồn ngủ, ngủ đã rồi đau. Quái lạ. Ngủ thì không trang nghiêm, đau chân thì muốn tháo ra nghỉ. Cả hai thứ ấy đều không dùng được, không ai cho phép. Cho nên cuối cùng mình tréo chân ngồi đó, mặc nó. Người chịu trách nhiệm báo hết giờ cũng được, nếu hôm nào vị ấy đi chợ không báo, mình cũng cứ ngồi tréo vậy hoài. Quen như vậy. Thật ra sức chịu đựng của mình phi thường, chứ không phải yếu đâu.

Quý vị bây giờ thì ngược lại, ngồi đau hoặc ngủ gục bị ăn hèo liền khóc. Mấy vị hay khóc đó là người gan dạ nhất. Tại sao? Mai mốt các nơi tới mời đi trụ trì, vị ấy lên khóc với sư phụ “con muốn ở đây ngồi thiền chứ không muốn đi đâu”. Hồi người ta kêu ngồi thiền thì muốn xin đi chợ, làm công kia việc nọ. Tới lúc bảo làm Phật sự thì xin ở yên một chỗ ngồi thiền. Trái cựa như vậy nên đau nhức hoài.

Nói tóm lại “Chỗ lý chân thật không nhận một mảy bụi, trong cửa muôn hạnh chẳng bỏ một pháp”.Nguyên chữ Hán là: Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp. Hai câu này đối nhau chan chát, rất đặc biệt.

Nếu được như vậy, là một mình cầm đao thẳng vào, lòng phàm thánh sạch, hiện bày chân thường, lý sự không hai, tức Phật như như. Ngày xưa trong bài sám hối, Hòa thượng dùng từ: “Đơn đao đột nhập vô thượng giác”, là một mình cầm dao thẳng vào vô thượng giác. Cả hai tình phàm thánh đều sạch, hiện bày chân thường, lý sự không hai, tức Phật như như.

Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch hỏi:

– Trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến, phải làm sao?

Sư đáp:

– Xanh chẳng phải là vàng, dài chẳng phải là ngắn, các pháp mỗi pháp ở địa vị của nó, chẳng can hệ đến việc của ta.

Câu trả lời hết sức thấu đáo. Như bây giờ hỏi “vọng tưởng rần rần đến phải làm sao?” Ngài dạy: Xanh chẳng phải là vàng, dài chẳng phải là ngắn, các pháp mỗi pháp ở địa vị của nó, chẳng can hệ đến việc của ta. Hòa thượng Trúc Lâm dạy: biết nó là vọng, không theo đứa nào hết thì yên ổn. Dù tới rần rần trăm ngàn đứa cũng mặc. Mình là chủ nhà, ngồi ở vị trí ông chủ. Ai vào mình biết đó là khách. Dù họ tới lui bao nhiêu cũng phải về. Mình là chủ sờ sờ trong nhà.

Chúng ta không có điên mà chạy theo vọng tưởng. Nhiều đời kiếp rồi nó dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử. Bây giờ mình tỉnh thì khác với điên. Người điên thì không tỉnh. Người tỉnh thì không điên. Rất là dễ hiểu.

– Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ đến?

Sư chỉ lồng đèn bảo:

– Lồng đèn rất tốt.

– Đâu chỉ cái ấy là phải sao?

– Cái ấy là cái gì?

– Lồng đèn rất tốt.

– Hẳn là chẳng thấy.

Học nhân nói lòng vòng, vẫn chưa xong.

Sư cùng chúng đi hái trà. Sư bảo Huệ Tịch:

– Trọn ngày hái trà chỉ nghe tiếng con mà chẳng thấy hình con, hãy hiện bản hình cho ta thấy coi.

Huệ Tịch liền đập cây trà.

Sư bảo:

– Con chỉ được cái dụng của nó, chẳng được cái thể của nó.

Huệ Tịch thưa:

– Chưa biết Hòa thượng thế nào?

Sư im lặng.

– Hòa thượng chỉ được cái thể của nó, không được cái dụng của nó.

– Cho con hai chục gậy.

Công tác phổ thỉnh, Thầy trò đi hái trà. Sư bảo Huệ Tịch trình hình ra xem, Huệ Tịch liền đập cây trà. Sư bảo chỉ được cái dụng, chẳng được cái thể. Huệ Tịch thưa: Chưa biết Hòa thượng thế nào? Sư im lặng. Huệ Tịch thưa Hòa thượng chỉ được cái thể, không được cái dụng. Thầy trò đối đáp nhau như vậy. Sư kết thúc bằng câu “cho con hai chục gậy.” Đây là hai chục gậy thưởng.

Sư ngồi, Huệ Tịch đi vào, Sư bảo:

– Tịch con! Hãy nói mau chớ vào ấm giới.

Huệ Tịch thưa:

– Huệ Tịch tin cũng chẳng lập.

– Con tin rồi chẳng lập hay chẳng tin chẳng lập?

– Chỉ là Huệ Tịch, lại tin cái gì?

– Nếu thế ấy chỉ là định tánh Thanh văn.

– Huệ Tịch Phật cũng chẳng lập.

Ở đây thầy trò trao đổi với nhau tinh thần thể nhập hoặc không thể nhập. Khi Ngài hỏi: Tịch con! Hãy nói mau chớ vào ấm giới. Tức là gì? Giống như câu: “Hãy nói một câu trước khi cha mẹ chưa sanh” hoặc “không động môi lưỡi, hãy nói một câu”. Không động môi lưỡi làm sao nói? Không động ấm giới cũng như không động môi lưỡi. Nói làm sao không dính mắc trần cảnh. Chỗ đó đâu thể nói được.

Huệ Tịch trả lời: Huệ Tịch tin cũng chẳng lập. Tức là không đặt thành ấm giới, không đặt thành thể dụng gì hết. Ngài gặn lại: Con tin rồi chẳng lập hay chẳng tin chẳng lập? Con được cái đó rồi chẳng lập, hay chưa được cái đó mà chẳng lập. Ngài Huệ Tịch đáp: Chỉ là Huệ Tịch lại tin cái gì? Chỉ sống với hiện tại, tin cái gì? Quy Sơn bảo: Nếu thế ấy chỉ là định tánh Thanh văn. Kiến giải như vậy là rơi vào định tánh Thanh văn.

Huệ Tịch nói câu cuối cùng: Huệ Tịch Phật cũng chẳng lập. Quy Sơn chấp nhận. Không dính phàm, không dính thánh, không dính thể, không dính dụng, tự tại, bình thường. Thiền là chỗ đó, không vướng mắc bên nào hết. Vướng phàm thì trầm luân sanh tử, vướng thánh thì lao lư không giải thoát được. Có thiền sư nói “nghe chữ Phật phải đi rửa tai mấy lần”. Nói vậy không phải là ngỗ nghịch đâu, mà là không để cho sáu căn vướng mắc với sáu trần. Đó là sống với tâm thể rỗng rang sáng suốt của mình.

Sư ngủ vừa thức giấc. Huệ Tịch đến hỏi thăm. Sư liền xây mặt vào vách. Huệ Tịch thưa:

– Hòa thượng đâu được như vậy.

Sư trỗi dậy bảo:

– Vừa rồi ta nằm một điềm chiêm bao, con thử vì ta đem lại xem.

Huệ Tịch lấy thau múc một thau nước đem lại cho Sư rửa mặt. Sư rửa mặt xong, giây lát Trí Nhàn (Hương Nghiêm) đến hỏi thăm, Sư bảo:

– Vừa rồi ta nằm một điềm chiêm bao, Huệ Tịch vì ta đem lại xem xong, ngươi lại đem cho ta xem.

Trí Nhàn liền đi rót một chung trà bưng đến.

Sư bảo:

– Hai con thấy hiểu còn hơn Xá-lợi-phất.

Thầy thức dậy hồi nào không biết, đúng giờ đệ tử lên thăm. Vừa hỏi thầy quay mặt vô vách. Người bình thường thấy thế không dám nói gì nữa đâu. Nhưng đây là đệ tử lớn, nên Huệ Tịch nói: Hòa thượng đâu được như vậy, tới giờ đánh kẻng thức rồi thì mời dậy.

Sư ngồi dậy bảo: Vừa rồi ta nằm một điềm chiêm bao, con thử vì ta đem lại xem. Đây là một cái bẫy. Ngài Huệ Tịch đi lấy nước cho thầy rửa mặt. Thoát bẫy rồi. Hương Nghiêm đến, Sư bảo: Vừa rồi ta nằm một điềm chiêm bao, Huệ Tịch vì ta đem lại xem xong, ngươi lại đem cho ta xem. Nhân vật này rót một chung trà dâng cho thầy. Sư phụ uống trà, khen: Hai con thấy hiểu còn hơn Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất là đệ tử bậc nhất trong hàng thánh đệ tử của đức Phật, biểu trưng cho trí tuệ.

Nếu là chúng ta, thầy bảo đem điềm chiêm bao ra xem, mình đi kiếm sách chiêm bao đọc cho thầy nghe thì “ngộ độc” lớn. Buổi trưa ngủ thức dậy, thị giả đem nước cho thầy uống, đạo lý bình thường như vậy. Sống được với chỗ bình thường là sống được với đạo. Thầy trò tương ứng, gặp nhau ở một điểm. Thầy vừa nhìn là trò biết, trò vừa nói là thầy hiểu, như vậy mới khế hợp.

Những việc trong đời thường, nhưng có khi mình làm không được. Bởi chúng ta luôn luôn phân biệt, tưởng tượng, suy ngẫm, nên không tỉnh, không có định tuệ đầy đủ. Bây giờ muốn tỉnh, muốn định tuệ đầy đủ thì phải làm sao? Đừng vướng mắc bởi cảm thọ, tưởng tượng, suy nghiệm, phân biệt v.v… Nhưng làm sao dứt được? Như chúng ta học câu gì đó một lần không hiểu, phải suy nghĩ chứ. Các vị triết gia gặp những vấn đề về con người, về cuộc sống, họ phải suy nghiệm.

Nhà Phật tuyệt đối bỏ hết những thứ đó, chỉ nhận lại tâm thể không hình không tướng. Đó là cái thường biết rõ ràng, cũng gọi là liễu liễu thường tri, chân tâm thanh tịnh của mỗi người. Muốn được cái này phải sạch hết những thứ kia. Muốn sạch hết những thứ kia phải thiền định. Vừa có một niệm bỏ đi, kiểm soát thật nhanh những niệm khởi. Để làm gì? Để không bị nó dẫn, không chạy theo nó, nó không đủ sức kéo lôi mình, như vậy mới sống được với cái liễu liễu thường tri. Hòa thượng Trúc Lâm gọi là chân tâm vô niệm.

Tóm lại, muốn làm chủ trần cảnh thì phải sống được chân tâm. Chỗ này không phải lý luận mà phải tu, phải có công phu mới được.

Sư hỏi Vân Nham (Đàm Thạnh):

– Nghe huynh ở Dược Sơn lâu lắm phải chăng?

– Phải.

– Tướng Dược Sơn đại nhân thế nào?

– Sau khi Niết-bàn mới có.

– Sau khi Niết-bàn mới có thế nào?

– Nước rưới chẳng dính.

Vân Nham hỏi lại Sư:

– Bá Trượng đại nhân tướng thế nào?

– Chững chạc vòi vọi, sáng suốt rực rỡ, trước tiếng chẳng phải tiếng, sau sắc chẳng phải sắc, con muỗi đậu trên trâu sắt, không có chỗ huynh cắm mỏ.

Lý luận như vậy là hết ý. Vân Nham Đàm Thạnh là học trò của Ngài Dược Sơn. Quy Sơn là đệ tử của ngài Bá Trượng. Ngài Dược Sơn ngang tầm với ngài Bá Trượng. Cho nên hai ngài giống như anh em chú bác, gặp nhau hỏi việc thầy mình.

Đầu tiên Ngài hỏi Đàm Thạnh:

– Nghe huynh ở Dược Sơn lâu lắm phải chăng?

– Phải.

– Tướng Dược Sơn đại nhân thế nào?

– Sau khi Niết-bàn mới có.

Sư huynh nói sau khi Niết-bàn mới có, là có thế nào? Ngài Đàm Thạnh nói: Nước rưới chẳng dính. Câu này siêu việt rồi đó.

Vân Nham hỏi lại Sư:

– Bá Trượng đại nhân tướng thế nào?

– Chững chạc vòi vọi, sáng suốt rực rỡ, trước tiếng chẳng phải tiếng, sau sắc chẳng phải sắc, con muỗi đậu trên trâu sắt, không có chỗ huynh cắm mỏ.

Tướng của đại nhân Bá Trượng giống như thành sắt, con muỗi dùi không được. Không có chỗ cho huynh cắm mỏ, là không có chỗ để suy ngẫm tìm tòi, lý giải, nói năng gì hết. Qua cách đối đáp thăm hỏi Thầy tổ của mình, các ngài đã vận dụng đưa vào pháp ngữ, cách thức dạy dỗ tu hành. Thì đây là những bậc đại thiền sư nấu cát biến thành cơm.

Thấy Trí Nhàn, Huệ Tịch làm bánh, Sư bảo:

– Bá Trượng tiên sư đương thời thân được đạo lý này.

Huệ Tịch, Trí Nhàn nhìn nhau nói:

– Người nào đáp được lời này?

Sư bảo:

– Có một người đáp được.

Huệ Tịch thưa:

– Người nào?

Sư chỉ con trâu bảo:

– Nói! Nói!

Huệ Tịch chạy lấy một bó cỏ đem lại. Trí Nhàn lấy thùng múc một thùng nước đem lại để trước con trâu. Con trâu đang ăn, Sư bảo:

– Cho gì? Cho gì? Chẳng cho gì? Chẳng cho gì?

Huệ Tịch, Trí Nhàn đồng lễ Sư. Sư bảo:

– Hoặc khi sáng, hoặc khi tối.

Bá Trượng tiên sư đương thời thân được đạo lý này. Tức là Sư ông hồi xưa được đạo lý này.

Huệ Tịch, Trí Nhàn nhìn nhau nói: Người nào đáp được lời này? Tức là đưa vào trong ngữ cú. Sư bảo: Có một người đáp được. Huệ Tịch thưa: Người nào? Sư chỉ con trâu bảo: Nói! Nói! Thời này pháp hội của ngài Quy Sơn cả ngàn chúng, có khi lên đến hai ngàn. Do vậy có điền trang, ruộng rẫy, các vị tri sự và tịnh nhân chuyên trách các công tác này. Trong viện có nuôi trâu, thiền sinh luân phiên chăn trâu. Từ đó mới có hình ảnh chăn trâu đưa vào cách thức tu hành.

Huệ Tịch chạy lấy một bó cỏ đem lại. Trí Nhàn lấy thùng múc một thùng nước đem lại để trước con trâu. Con trâu đang ăn. Sư bảo: Cho gì? Cho gì? Chẳng cho gì? Chẳng cho gì?

Huệ Tịch, Trí Nhàn đồng lễ Sư. Sư bảo: Hoặc khi sáng, hoặc khi tối. Có người nhân việc bình thường mà ngộ đạo, cũng có người rơi vào tầm thường, không dính dáng gì hết.

Ngày xưa, cách dạy đạo thâm thúy và người học đạo cũng có trí tuệ nhạy bén. Tuy nhiên có khi trăm ngàn người trố mắt nhìn, mà không ngộ gì hết. Như trong sự việc này, chỉ có ngài Huệ Tịch và Trí Nhàn ngộ thôi, còn đại chúng trố mắt nhìn. Người siêu việt bước qua được chỗ phàm thánh không còn thấy hai, nên mới tự tại. Do vậy khi thầy xác định rồi, hai vị đồng đảnh lễ tạ ơn Sư phụ. Hôm nay nhờ lòng từ bi của thầy, chúng con vào cửa được. Vào từ đâu? Từ con trâu, từ bó cỏ, từ thùng nước.

Một hôm, Sư thúc chúng trình ngữ, bảo:

– Ngoài thanh sắc cho ta cùng thấy.

Thượng tọa Giám Huyền trình ngữ:

– Chẳng từ ra đây, người ấy không mắt.

Sư chẳng nhận.

Huệ Tịch ba phen trình ngữ:

Lần đầu: – Thấy lấy, chẳng thấy lấy.

Sư bảo:

– Nhỏ như chót lông, lạnh tợ sương tuyết.

Lần thứ hai: – Ngoài thanh sắc, ai cầu thấy nhau?

Sư bảo:

– Chỉ kẹt Thanh văn, bên ngoài giường hẹp.

Lần thứ ba: – Như hai gương chiếu nhau, ở trong không hình tượng.

Sư bảo:

– Ngữ này chánh, ta phải ngươi chẳng phải, sớm lập hình tượng rồi vậy.

Huệ Tịch hỏi lại Sư:

– Con tinh thần tối tăm, đối đáp vụng về, chẳng biết Hòa thượng hồi còn ở với Sư ông Bá Trượng trình ngữ thế nào?

Sư bảo:

– Ta hồi ở với Tiên sư Bá Trượng trình ngữ như vầy: “Như trăm ngàn gương sáng soi sáng hình bóng, chiếu nhau cõi cõi bụi bụi mỗi mỗi chẳng lầm lẫn.”

Huệ Tịch lễ bái.

Những trình ngữ này khó giải thích lắm. Mỗi vị tự chiêm nghiệm, làm sao ngộ được là chuyện của mỗi người.

Như hai gương chiếu nhau, ở trong không hình tượng. Hai gương chiếu nhau, trong đó có hình tượng gì? Không có hình tượng gì. Nếu ở giữa để một vật gì thì có hình tượng của vật đó. Chỉ có hai gương sáng chiếu nhau thì không có hình tượng.

Huệ Tịch hỏi lại Sư: Con tinh thần tối tăm, đối đáp vụng về, chẳng biết Hòa thượng hồi còn ở với Sư ông Bá Trượng trình ngữ thế nào? Không biết thầy hồi xưa ở với Sư ông Bá Trượng trình ngữ thế nào?
Sư bảo: Ta hồi ở với Tiên sư Bá Trượng trình ngữ như vầy: “Như trăm ngàn gương sáng soi sáng hình bóng, chiếu nhau cõi cõi bụi bụi mỗi mỗi chẳng lầm lẫn”. Lúc đó tâm thể trùm khắp, rỗng rang, sáng suốt, không còn một tí xíu gì lẫn khuất trong đó. Tròn đầy. Sáng suốt.

Sư thượng đường bảo chúng:

– Sau khi Lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái viết năm chữ “Quy Sơn Tăng Linh Hựu”. Khi ấy gọi là Quy Sơn Tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Quy Sơn Tăng? Gọi thế nào mới đúng?

Sư truyền bá Thiền giáo hơn bốn mươi năm, người đạt được lý thú không thể kể hết, đệ tử được nhập thất (được truyền tâm) bốn mươi mốt người.

Đời Đường niên hiệu Đại Trung năm thứ 7 (853 TL), ngày mùng 9 tháng giêng, Sư tắm gội xong, ngồi kiết-già vui vẻ thị tịch. Sư thọ 83 tuổi, 64 tuổi hạ.

Vua ban hiệu Đại Viên thiền sư, tháp hiệu Thanh Tịnh.

Sư có trước tác tập Quy Sơn Cảnh Sách rất được lưu hành trong thiền môn.

Trước khi tịch, ngài nói: Sau khi Lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái viết năm chữ “Quy Sơn Tăng Linh Hựu”. Khi ấy gọi là Quy Sơn Tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Quy Sơn Tăng? Gọi thế nào mới đúng? Tổ sư trước khi thị tịch, dạy dỗ đệ tử một sự việc lạ lùng, không giống ai hết. Bây giờ gọi ngài là con trâu hay gọi là Quy Sơn tăng Linh Hựu? Gọi thế nào mới đúng? Công án này đáp không dễ, cũng không tìm ra người đáp được.

Ở đây Ngài đặt vấn đề Quy Sơn Tăng hay con trâu? Thật ra Quy Sơn là danh từ, mà con trâu cũng là danh từ. Tất cả đều giả danh, pháp trần huyễn hóa. Nhưng đó lại là chỗ dính mắc từ vô lượng kiếp của chúng ta. Nói con trâu thì vướng con trâu, nói thánh nhân thì vướng thánh nhân. Cho nên thiền sư trách chúng ta giống như con cẩu chạy ngược xuôi, cái gì cũng liếm.

Bậc thánh thì không như vậy. Bởi siêu việt thánh phàm nên thiền sư đưa ra công án này để đập tan cái tâm chấp của các đệ tử. Đệ tử nào chưa vào được vị “phàm thánh không hai”, thì từ công án này mà vào. Khui cửa, đập để vào, đơn đao đột nhập vô thượng giác. Tới giây phút cuối cùng, ta thấy tấm lòng từ bi của Tổ Quy Sơn thật vô lượng vô biên.

Học ngài Quy Sơn, chúng ta có được những kinh nghiệm về cách thức dạy dỗ của Ngài. Bài minh của Tổ sáng ngời từng chữ từng lời “Phù nghiệp hệ thọ thân… Huyễn thân mộng trạch…” Phàm là người tu hành, nên ghi những lời này để trên bàn của mình. Để làm gì? Mỗi ngày đặt mắt thấy, thấy để nhớ, nhớ để làm theo. Ngày xưa hai vị đệ tử lớn của Ngài là Ngưỡng Sơn Huệ Tịch và Hương Nghiêm Trí Nhàn, trước khi vào cửa cũng đã trải qua một thời gian sám hối, khóc lóc, đốt dẹp bao nhiêu kinh sách ghi chép cả đời, mới ngộ đạo.

Nguồn Thường Chiếu
Lão ăn mày St

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x